Bài 3: Nhộn nhịp rao bán thiết bị “bạc bịp” trên mạng xã hội


(CHG) Cùng với sự phát triển của xã hội thì các thủ đoạn lừa đảo cờ bạc cũng ngày càng tinh vi hơn, nhất là khi nó còn được hỗ trợ bởi các thiết bị "bạc bịp". Hiện nay, các thiết bị "bạc bịp" được rao bán công khai trên chợ mạng và mạng xã hội. Đây là một thực trạng đang diễn ra, đang cần cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để.
Ngập chợ mạng thiết bị đỏ đen ăn tiền
Doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ do không kiểm soát tốt thông tin đăng tải của chủ tài khoản trên mạng xã hội, dẫn tới tình trạng trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin hướng người xem làm theo những tệ nạn xã hội như: cá độ, lô đề, cờ bạc...
Lợi dụng mạng xã hội facebook, chủ tài khoản có tên V.N.D thường xuyên đăng tải nhiều video clip về những trò “bạc bịp”, sau đó rao bán thiết bị “bạc bịp”. Để tạo lòng tin và dễ bán hàng, chủ tài khoản này còn công khai cả số điện thoại Zalo kết bạn để khách xem trực tiếp, hay xem video clip hướng dẫn cách chơi "bạc bịp". Người bán đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, TikTok phục vụ cho loại hình kinh doanh này.

Chủ tài khoản có tên V.N.D thường xuyên đăng tải nhiều video clip về những trò “bạc bịp".
Đặc biệt, ngay cả trên các sàn thương mại điện tử được cấp phép cũng xuất hiện tình trạng kinh doanh vi phạm pháp luật này. 
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người lại thả mình vào những trò "đỏ đen". Cũng vì thế mà vào dịp này, các sản phẩm mang tính cờ bạc cũng ăn theo các từ khoá đón Tết xuất hiện trên các chợ điện tử như: bài Tây, lô tô, bầu cua cá tôm… Các loại phục vụ cho nhu cầu giải trí "đỏ đen" dịp Tết, dịp lễ hội không thiếu thứ gì. 
Tiến hành khảo sát đã cho chúng tôi kết quả không khỏi bất ngờ. Các bộ bài Tây có đủ kiểu hình nhân vật truyện tranh hoạt hình mặc trang phục hớ hênh, thiếu vải, thậm chí có cả những loại bài với những hình ảnh 18+... Tài khoản người bán cung cấp sẵn video clip giới thiệu các lá bài để kích thích người xem, bên dưới là những bình luận đánh giá của người đã mua. Đáng quan ngại hơn khi sản phẩm nhạy cảm như này đang nằm chễm chệ trên một số trang chuyên bán sản phẩm... đồ chơi cho trẻ em có liên kết với sàn thương mại điện tử. Điều này cho thấy, việc thiếu chọn lọc trong đăng tải thông tin sản phẩm có hại khi con trẻ vô tình tiếp xúc với việc rao bán sản phẩm giải trí thiếu lành mạnh.
Trên không gian mạng còn có cả những lời rao bán bí kíp về những thủ đoạn cờ bạc bịp, với giá hàng triệu đồng... Chúng được rao bán trá hình bên trong các sản phẩm dịch vụ khác. Người bán cho sẵn địa chỉ để trao đổi riêng khi cần. Thông tin tư vấn giới thiệu các chiêu cờ bạc bịp còn xuất hiện trên cả trang thương mại đang được nhiều người tin tưởng chọn mua sắm. 
Dụng cụ cờ  bạc bịp được giao bán tràn lan trên chợ mạng và mạng xã hội
Nuôi máu cờ bạc?
 Nhiều người cho rằng, Tết mà, chơi bài bạc một chút để giải trí. Thế nhưng nào phải do Tết, mà do sở thích đỏ - đen của nhiều người mà họ quên rằng đánh bạc dù với số tiền nhỏ vẫn là vi phạm pháp luật, và vẫn có những chế tài xử phạt rất nghiêm khắc. Đáng lo nhất là máu mê cờ bạc từ người lớn truyền sang trẻ nhỏ, từ chuyện chơi vui đến những sát phạt tiền triệu, tiền tỷ trên các chiếu bạc lớn dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Nghiện cờ bạc thì dù không có tiền để chơi, nhiều người vẫn tìm đến sòng bạc để xem cho "đỡ thèm". Trong nhiều vụ triệt phá sới bạc, có người chỉ xem cũng phải đến trụ sở công an viết tường trình. Riêng việc này cũng đủ "phiền toái" rồi chứ chưa nói tới hành vi không tố giác tội phạm.
Nhưng có bao người ngại pháp luật mà rời các kiểu cờ bạc? Rất khó trả lời câu hỏi này khi những ngày Tết đi đâu cũng thấy các chiếu bạc ăn tiền. Có những nhóm tụ xóc đĩa, tú lơ khơ, bài cào, đến mỗi ván cá cược tiền triệu. Nhiều con bạc tuổi học trò dám bỏ ra 100.000 - 200.000 đồng mỗi ván. Đó là những chiếu bạc kiểu gia đình nhỏ lẻ diễn ra công khai trong từng xóm. Còn biết bao nhiêu sới bạc trong bóng tối, những canh bạc tiền tỷ thâu đêm mà ngày thường cũng có, ngày Tết còn nhiều hơn. 
(Còn tiếp)