(CHG) Báo cáo tổng quan về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước do Tổng cục Thống kê công bố ngày 28/2 cho thấy, giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới, trong khi giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 2/2023 so với tháng trước của một số nhóm hàng hóa.
Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng 12/2022, CPI tháng 2/2023 tăng 0,97% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,31%. Tính bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%. Còn so với tháng trước, CPI tháng 2/2023 tăng 0,45% (khu vực thành thị tăng 0,47%; khu vực nông thôn tăng 0,42%).
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá. Theo đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2/2023 giảm 0,17% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Lương thực tăng 0,26% tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phảm giảm 0,49%, tác động giảm 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,45%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.
Lạm phát cơ bản tháng 2/2023 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%). Lý do được cho là từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022, giá xăng dầu liên tục giảm (thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản) là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI.