Tín hiệu vui từ xuất khẩu gạo


(CHG) Trong 2 tháng đầu năm 2023, gạo xuất khẩu đạt 528,5USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 2/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 430 nghìn tấn với giá trị 231 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 789 nghìn tấn và 417 triệu USD, giảm 18,8% về khối lượng và giảm 10,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2023 ước đạt 528,5 USD/tấn, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tháng 2/2023, giá gạo xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt ở châu Á có diễn biến trái chiều. Trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đi xuống, thì giá gạo của Việt Nam và Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm do nhu cầu mạnh.
Nhu cầu tại thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh... tăng trở lại. Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt nam.
Với thị trường EU, theo Hiệp định EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 EUR/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Vì thế, các doanh nghiệp nên tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng lợi thế. Dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.
Cuối năm 2022, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến quý III lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 4,79 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,33 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch so với năm 2021, giảm 9% giá trị bình quân. Philippines là quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, đạt gần 2,3 triệu tấn, chiếm đến 47,74% về lượng và 45,59% về kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước trong cùng thời điểm.
Tiếp đó là Trung Quốc với 520 nghìn tấn, kim ngạch đạt 269,21 triệu USD, giảm 29,08% về lượng và giảm 28,43% về kim ngạch so với cùng kì năm ngoái. Dù vậy, quốc gia đông dân này vẫn chiếm 10,86% về lượng và chiếm 11,54 kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta.
Bờ Biển Ngà đứng thứ ba với 488,5 nghìn tấn, kim ngạch đạt 221,63 triệu USD, tăng mạnh 86,2% về lượng và 65% kim ngạch. Với triển vọng xuất khẩu gạo như hiện nay, Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp gạo Việt Nam cùng với người nông dân sản xuất nâng cao chất lượng gạo từ đó đẩy mạnh sức cạnh tranh cho gạo Việt nam xuất khẩu ra nhiều thị trường khác.