Khẩn trương sửa đổi nhiều quy định gỡ khó cho đăng kiểm


(CHG) Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) đang khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16, bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3/2023.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 3/2023. Ảnh: Báo Giao thông
Mấy ngày gần đây, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam triển khai đồng loạt nhiều giải pháp để chấm dứt việc xe xếp hàng chờ đăng kiểm.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết ngay khi có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT và Bộ Công an, trong tối 10/3, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Cục CSGT đã phối hợp lên nội dung kế hoạch chi tiết, bố trí lực lượng về các trạm đăng kiểm.
Cục cũng đang phối hợp với Cục CSGT xử lý vấn đề kỹ thuật, kết nối phần mềm, cơ sở dữ liệu đăng kiểm của hai bên, đồng thời đánh giá các đơn vị đăng kiểm của ngành công an để đưa các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện đăng kiểm tham gia hỗ trợ Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cục Đăng kiểm cũng đã vận động các trung tâm đăng kiểm địa phương chi viện đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ cho các trung tâm ở Hà Nội, TP. HCM. Đồng thời, động viên các đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại quay trở lại làm việc.
"Đây là những giải pháp trước mắt mà Cục Đăng kiểm Việt Nam đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT để trong tháng 3/2023, cơ bản chấm dứt ùn tắc đăng kiểm xe", ông Nguyễn Chiến Thắng cho biết.

Miễn đăng kiểm lần đầu, kéo dài chu kỳ đăng kiểm

Ngoài các giải pháp trên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang khẩn trương sửa đổi Thông tư số 16, bổ sung quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu chưa qua sử dụng; nghiên cứu phương án kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng, dự kiến Thông tư sửa đổi sẽ ban hành trong tháng 3/2023.
Đề xuất thay đổi chu kỳ kiểm định đã được Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm nghiên cứu trong nhiều tháng qua và đang trong quá trình lấy ý kiến. Trong quá trình nghiên cứu, cơ quan soạn thảo đã tham khảo mô hình của các nước trên thế giới và trong khu vực để đưa ra những quy định phù hợp với thực tế hiện nay.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cũng sẽ sớm được sửa đổi theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Khẩn trương sửa các quy định về nhân sự

Đối với nhu cầu cần khẩn trương bổ sung nhân sự đăng kiểm đang thiếu, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện nay đăng kiểm viên được tuyển dụng vào các trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT hoặc Cục Đăng kiểm Việt Nam đều phải là viên chức. Ngay cả việc tuyển dụng đăng kiểm viên, điều động chuyển từ khối tư nhân vào làm việc tại các trạm thuộc Cục Đăng kiểm hay Sở GTVT cũng phải thực hiện theo quy định của Luật Công chức, viên chức.
Trong khi đó, tại các trung tâm đăng kiểm đã được xã hội hóa, các đăng kiểm viên là người lao động bình thường và các trạm đăng kiểm này có thể tuyển thẳng.
Trong thời điểm ùn tắc đăng kiểm nghiêm trọng hiện nay, để bố trí nhân sự chi viện, Cục Đăng kiểm phải vận động, nhờ các trạm đăng kiểm tư nhân hỗ trợ, không thể điều động như với nhân sự thuộc trạm của Cục.
Do đó, Cục Đăng kiểm đang kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật theo hướng: Cơ sở vật chất của các trạm đăng kiểm sẽ thuộc quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Sở GTVT hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng người lao động thực hiện công tác đăng kiểm xe phải do tổ chức đăng kiểm quản lý.
Đồng thời, xem xét ký hợp đồng chuyên gia với những cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm để tham gia nghiên cứu sửa đổi văn bản, hỗ trợ Cục Đăng kiểm tập huấn nghiệp vụ cho các đăng kiểm viên mới.
"Chúng tôi đang gấp rút tổ chức các lớp đánh giá, đào tạo, sát hạch đăng kiểm viên và đăng tải thông báo tuyển dụng 142 nhân sự theo kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2023 của Cục Đăng kiểm. Tuy nhiên, số lượng này cũng chỉ bù đắp được một phần trong tổng số hơn 400 đăng kiểm viên đang bị khởi tố", lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết.

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù

Trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định ô tô hiện nay.
Trong đó, bỏ quy định mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra nhằm tận dụng được năng lực của các đơn vị đăng kiểm mà vẫn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật.
Cùng với đó, giảm thời gian thực tập đối với các học viên đã có kinh nghiệm làm việc thực tế và đáp ứng được đầy đủ năng lực chuyên môn cho hoạt động kiểm định.
Bộ GTVT cũng đề nghị bãi bỏ Điều 26 trong Nghị định 139 quy định số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm, không giới hạn công suất mà theo thực tế tình trạng phương tiện vào kiểm định và thời gian làm việc có thể kéo dài để phát huy hết năng lực của trung tâm đăng kiểm.
Ngoài ra, đề xuất cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139.
Để không gây khó khăn cho người dân, Bộ GTVT cũng kiến nghị cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương rà soát, bổ sung kịp thời máy móc, phương tiện, nhân lực để khôi phục các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại - Ảnh: Báo Giao thông

Tập trung sửa đổi Nghị định 139 theo hướng rút gọn

Trước đó, ngày 11/3, tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, phát biểu giao nhiệm vụ cho tân Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương rà soát, bổ sung kịp thời máy móc, phương tiện, nhân lực để khôi phục các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại; tiếp tục thực hiện tăng ca, tăng kíp, làm cả ngày nghỉ thứ 7, Chủ nhật nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Song song với đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để người dân đăng ký đặt lịch hẹn đăng kiểm từ xa để tránh cảnh người dân phải xếp hàng gây bức xúc, mất thời gian, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt của người dân.
Cục Đăng kiểm có trách nhiệm phối hợp với Cục CSGT khẩn trương cử bộ phận kỹ thuật của hai bên, khớp nối lại phần mềm để đưa các trung tâm đăng kiểm của các Bộ này vào thực hiện kiểm định xe cơ giới nhằm nhanh chóng tháo gỡ tình trạng ùn tắc đăng kiểm hiện nay.
Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt, tình thế, về lâu dài, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương tham mưu Bộ GTVT sửa đổi ngay Thông tư 16, lưu ý về nội dung miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới sử dụng; cân nhắc rà soát ý kiến của các chuyên gia về chu kỳ đăng kiểm xe.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện và trình Bộ GTVT đề án mô hình tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với hoạt động của các trung tâm đăng kiểm.
Đặc biệt, tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng và các trang thiết bị, nhân lực đáp ứng Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới được phép kiểm định ô tô.
Tăng cường phân cấp, phân quyền công tác quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các địa phương gắn với thanh tra, kiểm tra giám sát, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm.
Đồng thời, xem xét siết chặt các điều kiện mở trung tâm đăng kiểm, tránh tình trạng cho phép mở tràn lan dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo đáp ứng cung đủ cầu, hướng đến là dịch vụ công có điều kiện. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu xây dựng lại, nâng cấp hệ thống phần mềm kiểm định đáp ứng được sự kết nối các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, đặc biệt của Bộ Công an để đảm bảo hiệu quả theo dõi, giám sát, phòng ngừa tiêu cực.

Để giải quyết căn cơ việc thiếu hụt nhân sự, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nhanh chóng, khẩn trương triển khai các kỳ thi sát hạch đăng kiểm viên để sớm có nhân lực phân công về các đơn vị đăng kiểm nhận nhiệm vụ.

Ngày 12/3 vừa qua, kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ đăng kiểm viên đã được đơn vị này tổ chức tại Trung tâm đăng kiểm 2906V (Hà Nội) với 27 người dự thi. Dự kiến, ngày 19/3 tới, tại TPHCM, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức đợt sát hạch với hơn 60 học viên tham dự.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/khan-truong-sua-doi-nhieu-quy-dinh-go-kho-cho-dang-kiem-102230314075935095.htm