Lợi dụng công nghệ Deepfake chiếm đoạt tài sản


(CHG) Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng internet và đã có nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Mới đây, lợi dụng công nghệ Deepfake AI, các đối tượng đã giả mạo người thân/bạn bè của nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền.
Ảnh minh họa.
Nếu như trước đây, người dùng mạng xã hội có thể bị hack tài khoản rồi bị giả mạo danh tính để nhắn tin nhờ bạn bè người thân chuyển tiền. Thì nay, với công nghệ Deepfake AI, đối tượng lừa đảo còn có thể tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người dùng muốn giả mạo.
Để thực hiện hình thức lừa đảo này, các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video giọng nói được đăng tải trên các tài khoản mạng xã hội... rồi sử dụng công nghệ Deepfake để tạo sẵn những video rất khó phân biệt thật – giả, có hình ảnh, giọng nói của cá nhân đó để phục vụ cho kịch bản lừa đảo.
Các video này thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như đang ở trong một cuộc gọi video tại nơi/vùng sóng wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả. 
Để tránh bị “sập bẫy”, các chuyên gia khuyến cáo và đề nghị người dùng cần nâng cao cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền qua các ứng dụng mạng xã hội. Sau đó, phải thực hiện các cuộc gọi điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh.
Các chuyên gia của Tập đoàn Công nghệ BKAV nhận định, việc ứng dụng công nghệ Deepfake AI để lừa đảo có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, luôn có thực hiện kiểm chứng thông tin thì sẽ tránh được đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, nên hạn chế việc đăng tải hình ảnh, video clip... cá nhân lên mạng xã hội để tránh bị kẻ lừa đảo lợi dụng./.