Nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại cửa hàng Konni39


(CHG) ​Nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn phụ chữ Việt Nam được bày bán công khai tại cửa hàng Konni39, địa chỉ 106, đường Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về việc kinh doanh hàng hóa nhập khẩu.
Trào lưu “sính ngoại” đã từ lâu len lỏi trong đời sống tiêu dùng của không ít người Việt. Khách quan mà nói, việc “sính ngoại” của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng là điều kiện thuận lợi để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng trà trộn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để tung ra thị trường. Phần lớn các loại hàng hóa loại này thường không có nhãn phụ tiếng Việt trên sản phẩm và được các tổ chức, cá nhân kinh doanh và tư vấn cho khách hàng là sản phẩm xách tay, hàng đi Air (hàng xách tay về qua đường hàng không) và được bày bán công khai tại các địa điểm kinh doanh.
 Công khai bán hàng không nhãn phụ tiếng Việt
Tổng đài Chống hàng giả 1900066689, thuộc Quỹ Chống hàng giả đã nhận được thông tin phản ánh của người tiêu dùng phản ánh thông tin, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm Nhật nội địa Konni39, địa chỉ tại số 106 phố Bạch Mai đang kinh doanh nhiều mặt hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm Nhật nội địa Koni 39, địa chỉ tại số 106 phố Bạch Mai, Hà Nội.

Khảo sát của phóng viên Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) tại địa chỉ 106 phố Bạch Mai, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng thì nhận thấy, tại đây đang bày bán nhiều sản phẩm là hóa mỹ phẩm: Dầu gội; sữa tắm; sữa rửa mặt; kem đánh răng; kem chống nắng; kem tẩy da chết, thực phẩm hỗ trợ: Fucoidan; hỗ trợ xương khớp; hỗ trợ gan; hỗ trợ dạ dầy, các loại vi tamin C, B, D, DHA, các sản phẩm colagen... các sản phẩm dành cho mẹ và bé: Dầu ăn; sữa, siro ho, canxi, điều trị cảm cúm dạng bột... Các sản phẩm gia vị: Mỳ chính; nước cốt xương hầm, các sản phẩm bánh kẹo, ngũ cốc ăn liền; các sản phẩm phẩm đồ uống; đồ gia dụng...
Điều dễ nhận thấy là các sản phẩm tại siêu thị trên “chi chít” chữ tượng hình, nhưng phần lớn không được dán nhãn phụ chữ tiếng Việt theo quy định để công khai các thông tin cần thiết gồm: Nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, ngày sản xuất – hạn sử dụng, thành phần, tính năng, cách sử dụng, nguy cơ cảnh báo về sản phẩm.
Nguy cơ tiềm ẩn…
Đặc biệt, tại đây đang bày bán nhiều sản phẩm liên quan đến hỗ trợ cho trẻ em trong việc điều trị ho, điều trị cảm cúm dành cho trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi trở lên. Sẽ rất nguy hại bởi việc nhân viên tư vấn bán hàng không biết tiếng Nhật có thể dẫn tới tư vấn sai về sản phẩm và về độ tuổi sử dụng. Điều đó có thể để lại hậu quả khó lường!
Trao đổi với một nhân viên tại cửa hàng, phóng viên Tạp chí CHG nhận được thông tin: “Ở đây chỉ xuất được hóa đơn cửa hàng thôi, hóa đơn đỏ (VAT) phải tùy từng mã mới có thể xuất được, vì ở những mã hàng trực tiếp đi “Ari” (hàng máy bay, xách tay)… Hàng Ari là hàng không có nhãn phụ tiếng Việt, nhưng chất lượng của hàng Ari và hàng container như nhau cả thôi, chỉ khác nhau về hình thức vận chuyển và không có hóa đơn”.
Thực phẩm chức năng không có nhãn phụ tiếng Việt được bày bán công khai tại cửa hàng kinh doanh sản phẩm Nhật nội địa Konni39, địa chỉ tại số 106 phố Bạch Mai.
Có thể thấy, hàng hóa do nước ngoài sản xuất, được bày bán tại các shop trên của hệ thống kinh doanh hàng Nhật, mang thương hiệu Konni39, cũng như nhiều hệ thống siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng nhập ngoại khác, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt sẽ gây khó khăn cho khách hàng trong việc tìm hiểu thông tin: Xuất xứ sản phẩm, thời hạn sản xuất, hạn sử dụng, các thành phần của sản phẩm…Đồng thời, điều này làm gia tăng nguy cơ hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn vào các shop, các siêu thị, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng./.
Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí CHG về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, Luật gia Lê Anh Tuấn, hội viên Hội Luật gia TP. Hà Nội cho biết:
“Tại điều 2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, đối tượng bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính; hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, làm muối và người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh không cố định hoặc làm những dịch vụ có thu nhập thấp và không phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định, mà có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định này, sẽ bị xử phạt như với cá nhân vi phạm.
Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi vi phạm về nhãn hàng hóa có thể lên đến 120.000.000 đồng. Trong một số trường hợp, vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục; bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm.
Nếu ngoài vi phạm về quy chế ghi nhãn hàng hóa, cơ sở kinh doanh còn vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu được quy định tại Nghị định 98/2020/ NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ với mức xử phạt vi phạm hành chính có thể lên đến 200.000.000 đồng và tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm, buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Mặt khác, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định rất rõ về hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng quá hạn sử dụng… mà mức phạt có thể lên đến 200.000.000 đồng theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại; buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng; buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật…
Nghị định 98/2020/NĐ-CP áp dụng mức tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm do cá nhân thực hiện. Trong trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
Phạt tiền gấp hai lần:
Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm thuộc thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xư lý môi trường nuôi trồng thủy hải sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, vật nuôi.
Theo quy định tại Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân tối đa lên đến hơn 100.000.000 đồng, tổ chức kinh doanh có thể phạt tối đa đến 200.000.000 đồng tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Ngoài ra, phạt tiền gấp 02 lần trong trường hợp hàng hóa vi phạm là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc chữa bệnh cho người, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm; chất tẩy rửa, diệt côn trùng, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi; hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính…; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa…”.