Cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo khi mua vé máy bay


(CHG) Thời gian qua, cơ quan chức năng ghi nhận một số trường hợp hành khách mua phải vé giả từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của các hãng hàng không.
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mua vé máy bay giả. Ảnh minh họa.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 với thời gian nghỉ kéo dài và là dịp để người dân đi du lịch, nhu cầu mua vé máy bay tăng cao. Tuy nhiên, nhiều người đã mua phải vé máy bay “ảo” từ các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của các hãng hàng không.
Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là mạo danh đại lý, tự tạo ra các trang website, trang mạng xã hội với các địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung hoặc giá niêm yết của các hãng hàng không để thu hút khách hàng.
Ngay khi khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán. Sau khi khách hàng đã chuyển tiền thanh toán, đối tượng sẽ không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy trên hệ thống đặt vé của hãng sau một thời gian. Chỉ khi khách hàng đến sân bay mới biết được việc chưa xuất vé này. Khách hàng buộc phải mua vé mới.
Một phương thức lừa đảo khác của đối tượng là sau khi nhận tiền của khách, vẫn xuất vé cho khách nhưng sau đó lại hoàn vé để thu lại phần lớn tiền, chỉ phải mất một khoản phí hoàn vé nhỏ. Khi khách tới sân bay hoặc kiểm tra lại vé máy bay thì mới biết được việc hoàn vé này.
Như vậy, để tránh mua phải vé máy bay “ảo” như trên, người tiêu dùng cần mua vé trực tiếp trên các website, ứng dụng di động của các hãng hoặc tại các phòng vé, đại lý chính thức của hãng trong và ngoài nước.
Ngoài ra, khách hàng cần phải giữ lấy các phiếu thu, hóa đơn, chứng từ chứng minh việc mua vé để bảo vệ quyền lợi của mình nếu có vấn đề xảy ra. Đồng thời, cần phải báo với cơ quan chức năng nếu gặp trường hợp lừa đảo hoặc gian lận trong giao dịch vé máy bay./.