Xây dựng gắn chặt với bảo hộ thương hiệu


(CHG) Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu là thủ tục hành chính đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau thông qua việc cấp văn bằng bảo hộ cho thương hiệu.

Những thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Góc nhìn từ thế giới về bảo hộ thương hiệu 
Trên thương trường ở cấp quốc gia, hay quốc tế, việc bảo vệ nhãn hiệu (thương hiệu) luôn luôn được đặt ra. Hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu cho sản phẩm trong nước, ngoài nước. Riêng EU có một chỉ thị cho phép sử dụng thương hiệu của liên hiệp.
Tính chất pháp lý của việc bảo vệ nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc đã sử dụng lệ thuộc vào quy định của luật pháp ở mỗi quốc gia. Hầu hết các nước đều quy định người chủ sở hữu nhãn hiệu là người đăng ký trước (EU). Có một số quốc gia đòi hỏi nhãn hiệu phải được đăng ký và sử dụng liên tục thì mới được bảo vệ gồm: Bolivia, Pháp và Đức. Tuy nhiên, một vài quốc gia vẫn bảo vệ những nhãn hiệu mặc dù chúng không được đăng ký để trở thành thương hiệu. Như vậy, quyền sở hữu nhãn hiệu được đặt trên cơ sở ưu tiên sử dụng, các nước và vùng lãnh thổ áp dụng luật này là Canada, Ðài Loan (Trung Quốc), Philippines, Hoa Kỳ và một vài quốc gia khác. Một số nước khác thì cách làm dung hòa được thực hiện. Ví dụ, ở Israel thì cả người đăng ký trước và người sử dụng trước đều có quyền sử dụng chung nhãn hiệu.
Có những ngoại lệ cho việc bảo vệ đối với các nhãn hiệu đã quá nổi tiếng trên thế giới, dù không đăng ký hay sử dụng tại một quốc gia nào đó vẫn được bảo vệ.
Hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu cho sản phẩm trong nước, ngoài nước. Riêng EU có một chỉ thị cho phép sử dụng thương hiệu của liên hiệp.
Tính chất pháp lý của việc bảo vệ nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc đã sử dụng lệ thuộc vào quy định của luật pháp ở mỗi quốc gia. Hầu hết các nước đều quy định người chủ sở hữu nhãn hiệu là người đăng ký trước (EU).
Năm 2000, Trung Nguyên bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và WIPO (Tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới). Sau 2 năm thương thảo, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu này và Rice Field nhận làm đại lý phân phối
cà phê  Trung Nguyên tại Mỹ. Trung Nguyên đã phải chi hàng trăm nghìn USD để lấy lại tên miền này. Sau đó, cà phê Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới.
Tuy nhiên, mới đây, Trungnguyen.com.au đăng ký tên miền này tại Australia thì phát hiện Công ty The trustee for Hinchliffe Trust đã đăng ký tên miền này và sử dụng dưới hình thức một website giao dịch thương mại. Không chỉ có vậy, Trung Nguyên tiếp tục để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Sau khi vụ tên miền thương hiệu Legendeecoffee bị người khác thâu tóm, Trung Nguyên lại có nguy cơ bị chặn đường xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ.
Hay một trường hợp khác là Vinataba, năm 2002, thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị P.T. Putra Stabat Industri (một công ty của Indonesia) chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Vinataba đã phải bỏ nhiều công sức và tiền bạc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài.
Nước mắm Phú Quốc cũng bị Công ty Viet Huong Fishsauce - Mỹ đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại Mỹ và cộng đồng chung châu Âu, Trung Quốc và Australia.
Bảo hộ thương hiệu sẽ tránh được những rủi ro pháp lý, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.
Hàng giả, hàng nhái hủy hoại thương hiệu
Một loại virus hủy hoại thương hiệu có độc tố rất cao và lây lan nhanh là hàng giả, hàng nhái. Đây là vấn đề từng doanh nghiệp phải tự bảo vệ cùng với trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Tại Việt Nam, tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu khá phổ biến. Người tiêu dùng không “khó” để mua bất kỳ sản phẩm mang nhãn hiệu Chanel, LV, Dior, Gucci, Rolex, Chopard, Patek Philippe, Hermes, Franck Muller, Montblanc, MCM, Burberry, Chanel, Hublot… tại trung tâm thương mại, trang mua sắm trực tuyến, mạng xã hội facebook và thậm chí cả ở chợ. Giá các sản phẩm này khá đa dạng, từ vài chục nghìn đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng mua đúng hàng chính hãng.
Để bài trừ vấn nạn hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, thời gian gần đây, một số đơn vị sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới đã có sự phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả các thương hiệu của mình.
Việc chống hàng giả, hàng nhái tại thị trường Việt Nam đang gặp phải những khó khăn nhất định do phương thức thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi, cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực, nhận thức của cộng đồng còn hạn chế. Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu doanh nghiệp không tích cực phối hợp thì việc chống hàng giả sẽ không hiệu quả.
Luật yêu cầu các doanh nghiệp tự bảo vệ mình, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, Nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu.
Nếu phát hiện ra việc bị “nhái” thương hiệu các doanh nghiệp nên dùng biện pháp hành chính, dân sự để bảo vệ… Khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó. Dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định, yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý.
Nhà nước có thể bảo hộ phần hữu hình, còn giá trị vô hình thì doanh nghiệp phải tự bảo vệ. Bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp có thể đến cơ quan về sở hữu trí tuệ, nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả. Về pháp lý thì cả hai việc đó doanh nghiệp phải làm.
Trước khi xảy ra các trường hợp bị vi phạm, làm nhái thương hiệu, doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn là bảo vệ khách hàng./.
Thủ tục bảo hộ thương hiệu
Bước 1: Nộp đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn và ra thông báo kết quả xét nghiệm đơn hợp lệ hình thức trong thời gian từ 1 - 2 tháng.
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ công bố đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ.
Trong vòng 2 tháng kể từ ngày có thông báo kết quả xét nghiệm đơn hợp lệ hình thức Cục Sở hữu trí tuệ phải thực hiện thủ tục công bố đơn đăng ký thương hiệu trên Công báo của Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 4: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn bảo hộ thương hiệu.
Thời gian thẩm định nội dung của thương hiệu: 9 - 12 tháng.
Bước 5: Thông báo kết quả xét nghiệm nội dung cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu.
Bước 6: Nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Bước 7: Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu.
Trong vòng 1 - 2 tháng kể từ ngày chủ đơn nộp lệ phí Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho thương hiệu.
Tại Việt Nam và đa số các nước trên thế giới văn bằng bảo hộ thương hiệu có thời hạn là 10 năm tính từ ngày ưu tiên (ngày nộp đơn). Thương hiệu sẽ được gia hạn liên tục khi hết hạn. Nếu chủ sở hữu thương hiệu liên tục gia hạn văn bằng bảo hộ thì thời hạn bảo hộ của thương hiệu là vĩnh viễn, không giới hạn.
Theo Công ty Luật Việt An