Khơi thông và phát triển thị trường xuất khẩu cá tra


(CHG) Lạm phát thực phẩm toàn cầu cùng với lượng tồn kho nhiều khiến nhu cầu và giá nhập khẩu giảm đã tác động xấu tới doanh số xuất khẩu (XK) cá tra Việt Nam ở nhiều thị trường lớn. Doanh nghiệp kiến nghị khơi thông và phát triển thị trường xuất khẩu cá tra. 
Cá tra xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong quý 3/2023.
Cần chiến lược riêng cho cá tra
Bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Thủy sản Cửu Long An Giang cho biết, cá tra là loài cá độc quyền của Việt Nam, lẽ ra phải mang đến giá trị vô cùng to lớn cho người nông dân, cho doanh nghiệp, và trên hết là cho quốc gia. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa làm cho con cá tra Việt Nam thể hiện đúng vị thế vốn có của nó.
Biến động của thế giới như đại dịch Covid- 19, chiến tranh, cũng như tình hình lạm phát toàn cầu khiến cho ngành XK cá tra Việt Nam thêm thăng trầm trong thời gian qua. Quý 1/2023, xuất khẩu cá tra đã giảm 35% so với cùng kì năm trước vì những khó khăn của thị trường tiêu thụ.
Theo bà Loan, hiện nay đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới, mặc dù đã hoàn toàn mở cửa nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Trung Quốc là một thị trường vô cùng khó tính, cách sử dụng con cá tra khác biệt so với những thị trường khác. Thông qua truyền thống ẩm thực của người Trung Quốc, cá tra được chế biến thành hàng trăm món ăn, phục vụ trong các nhà hàng sang trọng như một món ăn cao cấp. Cho nên, họ yêu cầu chất lượng rất cao và ổn định.
Do tính đặc thù của hai quốc gia có chung đường biên giới nên vẫn tồn tại hai hình thức xuất khẩu. Thông thường những công ty lớn nhập khẩu bằng đường chính ngạch và yêu cầu chất lượng cao, còn những công ty nhập khẩu thông qua đường tiểu ngạch yêu cầu chất lượng không quá khắt khe.
Để đẩy mạnh XK cá tra sang thị trường tiềm năng này, doanh nghiệp kiến nghị việc xây dựng chiến lược riêng cho XK cá tra, theo đó phải kiểm soát chất lượng xuất khẩu đồng nhất và luôn giữ hình ảnh con cá tra. Bởi với 1,4 tỷ dân, vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển và nhiều cơ hội để chúng ta có thể mở rộng thị trường, tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Với thị trường Mỹ, mặc dù luôn nằm trong top 2 thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay XK sang Mỹ vẫn vướng vụ kiện chống bán phá giá cho cá tra, cho nên chỉ một số rất ít doanh nghiệp được xuất khẩu vào thị trường này, đó cũng là một điều bất lợi cho cá tra Việt Nam.
Đến năm 2023 là 20 năm cá tra đã bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ do phía Mỹ chưa công nhận Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường. Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ và cơ quan ban ngành quan tâm để tháo gỡ và dần đưa thị trường Mỹ trở thành giống như các thị trường thông thường khác (không bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ)
Về nội tại, cá tra cũng giống ngành khác phải chịu chi phí đầu vào tăng cao, cộng với thắt chặt tín dụng và lãi suất tăng cao khiến cho doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn, phải bán sản phẩm với giá rẻ để xoay vòng vốn, làm cho doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn. Vì vậy, xin đề nghị các bộ ngành và chính phủ quan tâm đặc biệt để tháo gỡ, khơi thông nguồn vốn ưu tiên vốn cho sản xuất, và giảm lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Quý 1/2023, hầu hết các doanh nghiệp cá tra đều chứng kiến tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Top 5 doanh nghiệp lớn nhất XK cá tra gồm: Vĩnh Hoàn, NAVICO, I.D.I Corp, Vạn Đức Tiền Giang, GODACO, chiếm 34,9% kim ngạch XK, đều bị giảm doanh số từ 7 - 43%.
Kỳ vọng tăng trưởng vào quý 3
Quý đầu năm nay, XK cá tra của cả nước mang về 422 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát thực phẩm toàn cầu cùng với lượng tồn kho nhiều khiến nhu cầu và giá nhập khẩu giảm đã tác động xấu tới doanh số XK cá tra Việt Nam ở nhiều thị trường lớn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ đều giảm nhập khẩu cá tra lần lượt 22% và 64%. Sau khi giảm sâu trong tháng 1/2023, XK cá tra sang Trung Quốc tăng 26% trong tháng 2/2023, phần nào cho thấy tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc.
XK sang EU cũng có tín hiệu tích cực hơn nhờ thị trường Đức tăng gấp đôi NK cá tra Việt Nam. Trong khi đó thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu hồi phục. Nhiều thị trường khác cũng bị giảm sâu từ 12 - 61%.
Quý 1/2023, XK cá tra sang thị trường EU đạt 45 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước (46,7 triệu USD). Hầu hết các thị trường trong khối EU đều tăng NK cá tra Việt Nam, trong đó nhiều thị trường ghi nhận tăng trưởng 2 con số là Rumania (36%), Thụy Điển (53%), Đan Mạch (34%), Bulgaria (49%). Một số thị trường nhỏ hơn ở châu Âu ghi nhận tăng trưởng dương 3 con số như: Đức (100%), Lít va (429%), Phần Lan (436%).
Ngoài EU, kim ngạch XK cá tra Việt Nam sang một số thị trường khác trong quý 1/2023 cũng ghi nhận tăng trưởng dương như: sang Singapore đạt 8,7 triệu USD tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, sang Anh đạt 16,2 triệu USD, tăng 34%. Mặc dù là nước có tỷ lệ lạm phát thuộc top cao nhất trong các nền kinh tế lớn, Anh vẫn thuộc số ít các thị trường ghi nhận tăng trưởng dương nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Bối cảnh thực tại của ngành cá tra đang rất cần sự chung tay, hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng như sự đồng lòng của người nuôi và doanh nghiệp.
XK cá tra trong thời gian tới chủ yếu kỳ vọng vào Trung Quốc, một số nước châu Âu như Anh, Đức, Bồ Đào Nha và các thị trường Trung Đông. XK cá tra kỳ vọng hồi phục trở lại vào quý 3/2023, nhờ các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại./.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/khoi-thong-va-phat-trien-thi-truong-xuat-khau-ca-tra-173877.html