19 người bị ngộ độc sau khi dự tiệc cưới


(CHG) 240 người tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tham gia tiệc cưới và sau đó 19 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu.

Chiều 5/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Đắk Lắk đã có báo cáo sơ bộ việc 19 người tại huyện Buôn Đôn bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu sau khi dự tiệc cưới tại nhà hàng xóm.
Theo báo cáo, trước đó, vào khoảng 18h chiều 4/5, tại gia đình ông Hoàng Hồng (trú tại thôn 4, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) có tổ chức tiệc cưới cho con. Ông Hồng hợp đồng với dịch vụ Gia chánh Bảo Trân (địa chỉ tại thôn 7, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) để nấu tiệc, tổng cộng có 22 bàn, khoảng 240 người ăn.
 19 người phải nhập viện cấp cứu sau khi dùng tiệc cưới.
Sau khi dùng tiệc cưới tại nhà ông Hồng, đến khoảng 1h sáng 5/5, một số người bắt đầu có các dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm và nhập viện điều trị với các triệu chứng như nôn, đau bụng, đi cầu lỏng… Đến 10h sáng cùng ngày, tổng cộng 19 người phải nhập viện điều trị; trong đó, có 2 trường hợp bị triệu chứng nặng như khó thở, tức ngực. Đến chiều cùng ngày, 1 trong 19 bệnh nhân nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm đã được xuất viện, các bệnh nhân còn lại vẫn đang được các y, bác sĩ tiếp tục tích cực điều trị.
Theo lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đắk Lắk, sau khi xảy ra vụ việc, Chi cục phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn tích cực điều trị cũng như cập nhập diễn biến sức khỏe của các bệnh nhân bị ngộ độc. Chi cục cũng đã lấy hai mẫu thực phẩm (gà luộc và xôi) để phục vụ kiểm nghiệm tìm nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Liên quan đến vụ việc, Sở Y tế Đắk Lắk chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở phục vụ đám cưới để xử lý theo quy định./.
Về nguyên nhân ngộ độc thực phẩm thường tăng cao trong mùa hè, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) nhận định, nhiệt độ cao làm cho vi khuẩn phát triển nhanh, từ đó dẫn đến thực phẩm nhanh bị hư hỏng, biến chất, dễ bị nấm mốc hơn. Đây cũng là yếu tố gây ngộ độc thực phẩm.
Chưa kể, vào mùa nắng nóng, cơ thể thường hay bị mệt mỏi, sức đề kháng giảm, lại gặp nguồn thức ăn không đảm bảo tươi mới, chỉ cần sơ suất trong bảo quản thực phẩm là có thể gây ngộ độc.
Trong ăn uống nói chung, nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhiều hơn cả là ở khâu bảo quản thực phẩm. Tức là những loại thức ăn cho dù đã được nấu chín kỹ nhưng lại vẫn xuất hiện vi khuẩn gây bệnh. Lý do là bảo quản thực phẩm không đúng cách như ăn thực phẩm bày biện ngoài trời, không che đậy hoặc không đảm bảo che đậy đúng cách, không có phương pháp bảo quản lạnh... khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố...
Do đó, cần chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách, chú ý ăn chín uống sôi, thức ăn còn thừa phải bảo quản đúng cách trong tủ lạnh, hạn chế tối đa ăn đồ để qua đêm, nhất là vào mùa hè càng cần hết sức cẩn trọng để tránh nguy cơ ngộ độc, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó, cần hạn chế ăn hàng quán, quán ăn vỉa hè, nhất là dịch Covid-19 hiện nay còn nhiều diễn biến phức tạp…