Buộc tiêu hủy hơn 14.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu


(CHG) Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang (ngày 8/5) đã chủ trì, giám sát tiêu hủy hơn 14.000 sản phẩm là bột giặt, kem đánh răng, dầu gội các nhãn hiệu Sunsilk, Dove, Clear, P/S. Đây là số hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu do vi phạm hành chính bị lực lượng chức năng thu giữ.

Lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Công an xã Kim Linh, huyện Vị Xuyên kiểm tra phương tiện vận tải BKS 29D-130.79 do ông Nguyễn Tiến Hưng (sinh năm 1979, trú huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ điều khiển) đang di chuyển qua địa bàn huyện Vị Xuyên có dấu hiệu nghi vấn.
Tổ công tác phát hiện trên xe đang chở số lượng lớn hàng hóa gồm: 10.872 gói dầu gội nhãn hiệu Sunsilk, Dove, Lifebuoy, Clear; 428 hộp kem đánh răng nhãn hiệu P/S, Close up; 36 gói bột giặt nhãn hiệu OMO. Đây là hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Ngoài ra, trên xe còn chở 3.108 gói dầu gội đầu XMEN và 42 chai dầu gội đầu Sunsilk, Clear là hàng hóa nhập lậu.
Xác định rõ hành vi vi phạm, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định xử phạt tổng số tiền 17,5 triệu đồng đối với ống Nguyễn Tiến Hưng về 2 hành vi: Chào hàng để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa nhập lậu, đồng thời buộc tiêu hủy 14.444 sản phẩm vi phạm trên.
Thi hành quyết định trên, Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Hà Giang đã giám sát ông Nguyễn Tiến Hưng tiêu hủy hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.
Việc tiêu hủy nhằm xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu nhãn hiệu và người tiêu dùng; góp phần tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp, tổ chức trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hành vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng không rõ nguồn gốc.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
- Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa để buôn bán kiếm lời: Bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);
- Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: Bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).