Kinh doanh không hóa đơn, gian lận thuế ngày một tinh vi


(CHG) Nhiều thương nhân bán hàng có giá trị lớn nhưng không xuất hóa đơn VAT cho khách, nguy cơ khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu. Hành vi gian lận thuế, hoặc trốn thuế từ dịch vụ bán hàng đang là thực tế, rất cần sự nhìn nhận khách quan từ cơ quan quản lý để có giải pháp chặn cửa hành vi gian lận này.


Mặt hàng điện tử nghi nhập lậu dưới vỏ bọc xách tay, hoặc hàng mở seal fullbox đang được rất nhiều thương nhân kinh doanh, nhưng không xuất hóa đơn VAT cho khách (ảnh minh họa, nguồn: Internet).

Gian lận thuế ngày một tinh vi
Theo báo cáo từ lực lượng Thanh tra ngành Tài chính, nhiều đơn vị có dấu hiệu gian lận hàng tỷ đồng tiền thuế, khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu lớn… Điều này cho thấy gian lận thuế vẫn là vấn đề nan giải trong công tác quản lý.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, chỉ tính riêng năm 2021, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã thông báo từ chối không hoàn 18.673 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,8% số tiền đề nghị hoàn thuế. Đối với thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, 63 cục thuế đã thực hiện được 5.240 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, tương ứng với tổng số tiền hoàn 43.712 tỷ đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 811 tỷ đồng, từ đó đã thu nộp ngân sách nhà nước 311 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, hành vi gian lận thuế ngày càng phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi. Một thủ đoạn khá phổ biến là doanh nghiệp mua hóa đơn, hoặc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để làm chứng từ “hợp pháp hóa” đầu vào, kê khai khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng; câu kết với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí, hoặc bán hàng không xuất hóa đơn thuế VAT, nhằm giảm thuế đầu ra để gian lận thuế và chiếm đoạt bất chính…


Hệ thống bán lẻ điện thoại di động Hùng Mobile bán hàng cho khách nhưng không xuất hóa đơn VAT .

Một thực trạng khác của việc trốn thuế là nhiều thương nhân thực hiện bán hàng online có đăng ký kinh doanh, hoặc không đăng ký kinh doanh, việc nộp thuế được tính dựa trên tờ khai thuế theo quý, hoặc thuế khoán… Nhưng những doanh nghiệp này thường thực hiện việc nhập hàng trực tiếp từ bên kia biên giới, thông qua các kênh riêng và không phải thực hiện tờ khai hải quan, nên có giá rất thấp so với thị trường nội địa. Phương thức giao dịch chủ yếu là online, bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội thông qua kênh chuyển phát nhanh của các công ty như Viettel Post, VN Post, Giaohangnhanh… để giao tới tay người mua và không xuất hóa đơn VAT. Đây là thực trạng với số tiền thuế không nhỏ mà các đối tượng gian lận được từ việc bán hàng online…

Hệ thống bán lẻ điện thoại di động Hùng Mobile bán nhiều sản phẩm điện thoại Samsung Hàn (hàng xuất xứ Hàn Quốc) bị nghi ngờ nhập không có tờ khai hải quan theo quy định pháp luật.

Hoặc rất nhiều cơ sở có địa chỉ kinh doanh và thực hiện kinh doanh theo địa chỉ đăng ký như: Hùng Mobile; MS Mobile; MobileCity… khi bán hàng thay vì xuất hóa đơn VAT cho khách, những thương nhân chỉ xuất hóa đơn bán lẻ (có tính chất nội bộ) và nhận chuyển tiền từ giao dịch mua bán sản phẩm bằng tài khoản cá nhân... nên việc kê khai thuế thiếu khách quan để nộp thuế sẽ khiến ngân sách Nhà nước có thể bị thất thu bởi hoạt động kê khai thuế thiếu khách quan này…


Giao dịch bằng tài khoản cá nhân để tránh né việc phải xuất hóa đơn VAT cho khách.

Hiện tại, cơ quan quản lý mới chỉ quan tâm nhiều tới các cơ sở kinh doanh có đăng ký địa chỉ cụ thể và hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa chỉ đăng ký. Đối với những đơn hàng, hoặc những cơ sở kinh doanh oline thì hầu như rất ít bị kiểm tra, hoặc có chăng cũng chỉ như muối bỏ bể, trong khi số lượng người tham gia bán hàng online là rất lớn.
Tuy nhiên, một thực trạng là hiện nay hoạt động kinh doanh online đang "lên ngôi", nên việc gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, gian lận hóa đơn chứng từ trở nên dễ dàng. Đối với những cơ sở kinh doanh có địa chỉ cụ thể, thường ít có việc bán hàng kém chất lượng hoặc không hóa đơn. Nếu có thì các cơ sở này hoạt động hết sức tinh vi dưới vỏ bọc hàng xách tay, hoặc hàng đã mở seal…
Nhiều hệ thống kinh doanh bán hàng không hóa đơn
Chỉ cần khảo sát một vòng nhỏ ở một số quận của Hà Nội, cho thấy loạt cửa hàng cửa hiệu có thương hiệu, nhưng bán hàng không hóa đơn, có thể ví dụ như: Hệ thống MS Mobile; hệ thống Hùng Mobile; hệ thống Mobile City; …. Nhiều cửa hàng trong số các shop bán hàng dưới vỏ bọc hàng xách tay, hàng bóc seal, hàng cũ để không xuất hóa đơn cho khách hàng, mặc dù giá trị đơn hàng không hề nhỏ.

Hệ thống MobileCity bán hàng giá trị tới trên 13 triệu đồng, nhưng xuất phiếu nội bộ cho khách hàng.

Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định hàng hóa mang từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải làm thủ tục hải quan và phải đảm bảo hàng hóa có hóa đơn, chứng từ đầy đủ; đồng thời phải đóng các loại thuế, phí theo quy định. Có như thế thì hàng hóa nhập về mới không bị coi là hàng nhập lậu.
Do đó, trong trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu (không có hóa đơn, chứng từ) thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định 98/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mức phạt cao nhất cho hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là phạt tiền 40-50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm. (1) 

Hệ thống Mobile City bán sản phẩm điện thoại SamSung Hàn Quốc nghi hàng nhập không có tờ khai hải quan.

Theo ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường - tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Ông Dương đưa ra cảnh báo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường thường có sự trà trộn cùng hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng.(2) 
Từ những phân tích trên cho thấy hàng năm ngân sách Nhà nước bị thất thu thuế bởi hoạt động dịch vụ bán hàng là rất lớn, con số hoàn toàn có thể lên tới nhiều nghìn tỷ đồng, bởi sự chủ động kê khai thuế thiếu khách quan, hoặc cố tình gian lận và trốn thuế từ chính các thương nhân…


Rất nhiều sản phẩm điện thoại xách tay tư nước ngoài được giao bán công khai.

Xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng vẫn yêu chuộng hàng Việt Nam và các sản phẩm do các nước phát triển sản xuất, các đối tượng thường nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ rồi gắn mác Việt Nam, hoặc dùng vỏ bọc hàng xách tay, hàng 99,99% để đánh lừa người tiêu dùng.
Hàng giả, hàng nhái, bán hàng không hóa đơn tràn lan đang bám chặt nhiều tuyến phố, thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội khiến thất thu ngân sách và cũng là vấn đề đang khiến nhiều doanh nghiệp chân chính lao đao.
(Còn nữa)
--------------------------------------
1. https://plo.vn/ban-hang-khong-hoa-don-chung-tu-bi-xu-phat-ra-sao-post663599.html
2.  
https://vtc.vn/hang-gia-hang
-nhai-tang-manh-bua-vay-nguoi-tieu-dung-ar512467.html