Bắt xe tải chở lô hàng gia dụng nhập lậu, không rõ nguồn gốc


(CHG) Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Thuận vừa khám xe ô tô tải BKS 89C-200.xx do ông N.Q.C. điều khiển, phát hiện 225 sản phẩm là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ước tính trị giá của lô hàng hơn 40 triệu đồng.

Phương tiện chở hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ.

Từ nguồn tin báo của cơ sở, Đội Quản lý thị trường số 5 Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành khám phương tiện xe ô tô tải BKS 89C-200.xx do ông N.Q.C. điều khiển, có dấu hiệu nghi vấn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phương tiện chở lô hàng gia dụng gồm: Bàn, ghế, hộp đựng mỹ phẩm, kệ đựng mỹ phẩm, nến thơm, chăn ga, gối nệm do nước ngoài sản phẩm nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của sản phẩm.
Ngoài ra, Tổ công tác còn thu giữ nhiều sản phẩm là nồi chiên không dầu, chiếu điều hòa, kệ đa năng, giá phơi phòng tắm, bồn ngâm chân… Thông tin trên nhãn hàng hóa không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Ước tính lô hàng trên có tổng trị giá gần 41 triệu đồng.
Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ- CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản và trình Đội trưởng xem xét xử phạt vi phạm hành chính ông N.Q.C. số tiền 17,5 triệu đồng.
Cùng thời gian này, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an huyện Đồng Hỷ tiến hành kiểm tra kho hàng của bà Trần Thị T. (xóm Mỹ Hòa, xã Cây thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Lúc này, bà T. đang cùng con gái thực hiện livestream quảng cáo hàng hóa, chốt đơn trên trang Facebook và Tiktok cá nhân của mình.
Tại kho hàng, lực lượng liên ngành phát hiện có 80 chiếc đồng hồ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Hermes, Dior và gần 300 đơn vị sản phẩm hàng hóa là đồ gia dụng các loại nghi nhập lậu như ấm siêu tốc, máy xay thịt, nồi inox...
Thời điểm kiểm tra, một số hàng hóa đã được đóng gói theo đơn để gửi đi cho khách hàng. Ước tính trị giá tang vật vi phạm hơn 30 triệu đồng.
Bước đầu, chủ cơ sở thừa nhận toàn bộ số hàng hóa trên được mua trôi nổi trên mạng xã hội về tập kết tại kho rồi livestream bán trên Facebook, Tiktok kiếm lời.
Quá trình mua bán không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh, có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật./.