​Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Cẩn thận "tiền mất, tật mang"!


(CHG) Cụm từ “chuyển đổi số” trong doanh nghiệp thời gian gần đây được nhắc đến khá nhiều, nhưng cũng có nhiều chuyện "khóc dở, mếu dở" liên quan đến chuyển đổi số.

Tại một sự kiện liên quan đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra mới đây, một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số đã mang đến một câu chuyện rất đáng suy ngẫm.
Đó là, cách đây hơn 10 năm, đến làm việc tại một doanh nghiệp lớn, vị này đã được đại diện doanh nghiệp giới thiệu một hệ thống công nghệ hiện đại nhất thế giới thời điểm đó được nhập khẩu từ nước ngoài về, với mong muốn tăng năng suất lao động, và tạo đột phá cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Chủ động trong chuyển đổi số (ảnh minh họa).

Nếu công nghệ không theo kịp con người thì cũng không hiệu quả, còn nếu con người không theo kịp công nghệ thì chi phí cao
Nhưng kết quả là, đầu tư cả đống tiền nhưng công nghệ chỉ “đắp chiếu nằm đó” với lý do, cứ mỗi lần vận hành thì chỉ sau 3 tháng hệ thống lại bị lỗi, mà mỗi lần mắc lỗi phải mời chuyên gia từ Tây Ban Nha, Italia sang mới khắc phục được, còn chuyên gia trong nước thì “bó tay” vì công nghệ quá hiện đại?!.
Đáng nói hơn, mỗi lần khắc phục sự cố doanh nghiệp lại mất vài tháng trời chờ đợi với chi phí lên đến vài ngàn USD mỗi lượt. Như vậy, năng suất thì chưa thấy đâu, nhưng doanh nghiệp thì phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả việc vừa tốn thời gian, gia tăng chi phí để vận hành hệ thống mà không mang lại hiệu quả. Nên cuối cùng, đầu tư hệ thống máy móc cả đống tiền nhưng chỉ để “đắp chiếu nằm đó”.
Ở một diễn biến khác, kết quả nghiên cứu của Ban Chuyển đổi số Quốc gia cũng cho thấy, có tới 48% doanh nghiệp Việt Nam mua phần mềm xong 2 năm sau thì… “vứt đi”, do liên quan vận hành hệ thống không phù hợp, không tương thích với trình độ nhân sự và văn hoá của doanh nghiệp.
Đó cũng là nguyên nhân, “chuyển đổi số” là cụm từ được doanh nghiệp Việt Nam nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây, nhưng kết quả thu được thì lại không như mong đợi!. "Chúng ta vẫn thiếu những doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp điển hình trong tiến trình chuyển đổi số" - một chuyên gia kinh tế đã từng nói với tôi như vậy khi được hỏi về tiến trình chuyển đổi số với doanh nghiệp trong nước hiện nay.
Rõ ràng, chuyển đổi số là hướng đi, là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay mà nhiều doanh nghiệp đều hướng tới. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số thành công sẽ mang đến những lợi ích thiết thực giúp doanh nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng khả năng tìm kiếm khách hàng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp, hay nói xa hơn là cho nền kinh tế.
Lợi ích từ chuyển đổi số mang lại thì rất nhiều, tuy nhiên, tiến trình này lại không hề dễ dàng và không phải doanh nghiệp nào cũng có sự thành công. Bởi đằng sau chi phí công nghệ thì các chi phí liên quan để chuyển đổi số thành không hề nhỏ, theo một chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, chi phí "đằng sau" đầu tư công nghệ có thể gấp đến 3 - 4 lần chi phí đầu tư công nghệ ban đầu mà doanh nghiệp phải bỏ ra.
Hơn nữa, nếu không có sự nghiên cứu phù hợp, doanh nghiệp đầu tư công nghệ quá “sao siêu”, không tương thích với trình độ nhân sự, nhu cầu của doanh nghiệp thì dù chi phí đầu tư đắt đỏ tới đâu cũng không mang lại hiệu quả và nguy cơ "đắp chiếu" hay "vứt đi" là khó tránh khỏi.
Hay nói cách khác, nếu công nghệ không theo kịp con người thì cũng không hiệu quả, còn nếu con người không theo kịp công nghệ thì chi phí cao.
Do vậy, để chuyển đổi số thành công bên cạnh vấn đề công nghệ thì còn nằm ở tư duy, sự lựa đưa ra quyết định chọn phù hợp của mỗi doanh nghiệp. Kinh nghiệm của các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công là nên lựa chọn những công nghệ tương thích với trình độ nhân sự của doanh nghiệp và dễ ứng dụng thay vì những công nghệ phức tạp, khó vận hành.
Bởi bản chất của chuyển đổi số thực ra sự chuyển đổi về văn hoá doanh nghiệp, chuyển đổi tư duy của người đứng đầu. Để chuyển đổi số thành công, bên cạnh đầu tư công nghệ thì vấn đề nhân sự, văn hoá và sự vận hành hệ thống phải có sự tương thích với nhau. Muốn có được điều đó, người đứng đầu doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, sẵn sàng tái cơ cấu từ đội ngũ nhân viên đến hệ thống hoạt động của doanh nghiệp để sẵn sàng thích ứng, phù hợp với những thay đổi của công nghệ./.

Nguồn: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-trong-doanh-nghiep-can-than-tien-mat-tat-mang-253989.html