Kiểm tra chuyên ngành mặt hàng thủy sản và hàng làm mẫu


(CHG) Nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác kiểm tra chuyên ngành gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa đã được Cục Hải quan TP. HCM chỉ ra và kiến nghị giải pháp tháo gỡ. 
 
Công chức Hải quan TP. HCM kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu. Ảnh: T.H
Gỡ vướng cho thủy sản nhập khẩu
Liên quan đến quy định miễn kiểm dịch sản phẩm động vật thuỷ sản nhập khẩu phi mậu dịch, theo Cục Hải quan TP. HCM, hiện nay, cơ quan Thú y không tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm dịch động vật cho các lô hàng nhập khẩu loại hình phi mậu dịch (không thanh toán) của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong Thông tư số 26/2016/TT- BNNPTNT ngày 30/6/2016, Thông tư 06/2022/TT- BNNPTNT ngày 28/7/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại không giải thích khái niệm “làm mẫu thử nghiệm” là gì; đơn vị nào có chức năng nhập khẩu sản phẩm động vật thuỷ sản làm mẫu thử nghiệm; việc xác định chức năng làm mẫu thử nghiệm dựa trên cơ sở nào; số lượng phù hợp để làm mẫu thử nghiệm. Các quy định nêu trên cũng không quy định cụ thể về việc miễn kiểm dịch đối với loại hình nhập khẩu phi mậu dịch (không thanh toán) của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hàng mẫu khác, hàng quà biếu tặng... nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhập khẩu loại hình này.
Để gỡ vướng cho doanh nghiệp Cục Hải quan TP. HCM đề xuất giải pháp, đó là kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 26/2016/TT- BNNPTNT vào các nội dung, như: Miễn kiểm dịch đối với loại hình nhập khẩu phi mậu dịch (không thanh toán) của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp: Hàng làm mẫu thử nghiệm, hàng mẫu khác, hàng quà biếu, tặng; cơ sở xác định sản phẩm động vật thuỷ sản làm mẫu thử nghiệm, quy định cụ thể số lượng hàng nhập khẩu loại hình phi mậu dịch được miễn kiểm dịch.
Ngoài ra, theo quy định kiểm dịch động vật thuỷ sản sống nhập khẩu, hiện nay, thủ tục kiểm dịch được thực hiện tại cơ quan Thú y qua hệ thống một cửa quốc gia (chủ yếu) hoặc bằng hồ sơ giấy. Đối với trường hợp đăng ký qua hệ thống một cửa quốc gia, cơ quan Hải quan tự tra cứu giấy đăng ký, giấy chứng nhận vận chuyển và kết quả kiểm dịch. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh trường hợp cơ quan Thú y ban hành kết quả kiểm dịch có số lượng ít hơn số lượng doanh nghiệp đã đăng ký kiểm dịch, đã được cấp giấy vận chuyển và được cơ quan Hải quan giải quyết mang hàng về bảo quản, với lý do: Số lượng hàng bị chết, doanh nghiệp tự ý tiêu thụ (cơ quan kiểm dịch đã xử phạt) hoặc các trường hợp khác...
Trong những trường hợp này, một số cơ quan Thú y không thể hiện số lượng con bị chết trên Giấy chứng nhận kiểm dịch, cũng không thông báo cho cơ quan Hải quan biết mà chỉ thông báo cho doanh nghiệp kết thúc thời gian cách ly kiểm dịch (có xác nhận số lượng chết), cơ quan Hải quan chỉ biết khi doanh nghiệp xuất trình văn bản này. Do đó, cơ quan Hải quan không thể chủ động trong việc cập nhật kết quả kiểm dịch, thực hiện thủ tục hải quan. Cơ quan Hải quan cũng thắc mắc đối với trường hợp cơ quan Thú y xử phạt doanh nghiệp tự ý tiêu thụ hàng hóa trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch theo pháp luật kiểm dịch thì cơ quan Hải quan có xử lý vi phạm về hành vi tự ý sử dụng hàng hóa trong thời gian bảo quản hàng hóa theo pháp luật Hải quan không?
Từ thực tế trên, Cục Hải quan TP. HCM kiến nghị: Trường hợp cơ quan Thú y ban hành kết quả kiểm dịch với số lượng không phù hợp với giấy đăng ký, giấy chứng nhận vận chuyển thì phải thể hiện rõ số lượng con chết trên Giấy chứng nhận kiểm dịch hoặc cập nhật thông báo xác nhận trên Hệ thống một cửa quốc gia để cơ quan Hải quan có thể tự tra cứu, thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp. Đồng thời, Cục Hải quan TP. HCM đề xuất, trường hợp cơ quan Thú y xử phạt doanh nghiệp tự ý tiêu thụ hàng hóa trong thời gian chờ kết quả kiểm dịch theo pháp luật kiểm dịch, nếu cơ quan Kiểm dịch đã xử phạt doanh nghiệp, cơ quan Hải quan sẽ không thực hiện xử phạt.
Khó xác định hàng miễn kiểm tra chuyên ngành
Quy định miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng quà biếu, tặng, tại Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có quy định: “Các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu (trừ các trường hợp có cảnh báo về an toàn thực phẩm), trong đó có: Quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế; sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân
.
Với quy định trên, cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong việc xác định các trường hợp được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm: Bởi việc quy định miễn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế rất khó thực hiện vì quà biếu, tặng cùng một lô hàng không thể tách riêng phần được miễn và phần không được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm đối với sản phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu có số lượng phù hợp với mục đích thử nghiệm hoặc nghiên cứu có xác nhận của tổ chức, cá nhân... cũng phát sinh nhiều vướng mắc, vì nội dung nghị định nêu trên không giải thích khái niệm “làm mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu” là gì; cơ sở nào để xác định; số lượng bao nhiêu là phù hợp; tổ chức, cá nhân nào có chức năng xác nhận.
Từ vướng mắc trên, Cục Hải quan TP. HCM kiến nghị, đối với hàng làm mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu cần quy định rõ cơ sở xác định; số lượng bao nhiêu và tổ chức nào có chức năng xác nhận. Đồng thời, kiến nghị Tổng cục Hải quan có ý kiến với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những vướng mắc này.
Ngoài ra, theo Cục Hải quan TP. HCM, quy định kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm dịch đối với trường hợp quà biếu, tặng của các cá nhân vượt định mức miễn thuế nhập khẩu cũng phát sinh vướng mắc. Cụ thể, hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm khi cá nhân đi đăng ký kiểm tra thì được yêu cầu phải có công bố sản phẩm trong khi cá nhân đó không làm được thủ tục công bố sản phẩm; hàng hóa là thực phẩm chức năng phải có công bố sản phẩm; hàng hóa là thủy hải sản đông lạnh vượt định mức miễn thuế... Thế nhưng, khi cá nhân đăng ký kiểm dịch thì cơ quan Thú y trả lời là không phải đăng ký kiểm dịch. Tuy nhiên, tại Mục B - Danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch tại Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT không quy định trường hợp quà biếu, quà tặng của cá nhận được miễn kiểm dịch. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các bộ ngành liên quan cần có quy định cụ thể để các cá nhân nhập khẩu thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục đăng ký kiểm tra chuyên ngành-Hải quan TP. HCM đề nghị./.

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/kien-nghi-go-vuong-ve-kiem-tra-chuyen-nganh-mat-hang-thuy-san-va-hang-lam-mau-174218.html