​Doanh nghiệp đề nghị sớm ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu


(CHG) Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa gửi đơn lên Thủ tướng Phạm Minh Chính, đề nghị sớm ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp bán lẻ đề nghị sớm ban hành Nghị định về kinh doanh xăng dầu trong quý 2. Ảnh minh họa ITN

Trong đơn đề ngày 15.5.2023, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn do quy định trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định số 95) có nhiều bất lợi. 

Thứ nhất, quá trình xây dựng Nghị định số 95, doanh nghiệp bán lẻ không được mời tham gia góp ý kiến, mặc dù đây là thành phần rất lớn tham gia thị trường. Hệ quả là, các quy định trong Nghị định được xây dựng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp đầu mối.
“Lẽ ra doanh nghiệp đầu mối chỉ thực hiện chức năng chuyên nhập hàng, không được tham gia trực tiếp vào khâu bán lẻ, nếu muốn bán lẻ thì phải lập công ty, doanh nghiệp chuyên bán lẻ hạch toán độc lập. Có như thế mới tách bạch và khách quan về chi phí, về lợi ích của các bên. Tuy nhiên, Nghị định lại xây dựng theo hướng coi doanh nghiệp bán lẻ nằm trong hệ thống của doanh nghiệp đầu mối, từ đó dẫn đến rất nhiều sai lầm và gây ra hệ lụy về thao túng nguồn hàng, chặn không cho doanh nghiệp bán lẻ mua hàng khi điều chỉnh giá có lợi để hưởng chênh lệch giá và xả hàng ra khi giá có xu hướng giảm. Họ điều hành hoạt động này bằng đặc quyền riêng của họ mà không hề bị phạt hay quy trách nhiệm”, đại diện doanh nghiệp nêu rõ.
Chính điều này khiến doanh nghiệp đầu mối áp dụng triệt để bằng công cụ chiết khấu lên xuống với độ chênh lệch rất lớn “theo dạng ban phát”, tự ý hạ chiết khấu bằng 0 đồng khi cần thiết và nâng lên trên 1.000 đồng/lít nếu muốn xả hàng ra để giảm lỗ khi giá có xu hướng giảm sâu. Điều này khiến doanh nghiệp bán lẻ luôn thua thiệt và ở thế bị động về nguồn hàng, xung đột về lợi ích với các doanh nghiệp đầu mối.
Thứ hai, suốt thời gian qua, do Nghị định số 95 quy định không rõ ràng, nên doanh nghiệp bán lẻ không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức đáng được hưởng, khiến các doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài.
Thứ ba, Nghị định số 95 quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được mua của một nguồn khiến nhiều doanh nghiệp lập công ty con để đối phó. Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng chất lượng không tăng, gây phức tạp thêm cho việc quản lý của chủ doanh nghiệp khi cùng lúc quản lý tới 3 – 4 con dấu, phải điều phối vốn giữa các doanh nghiệp… Về mặt quản lý nhà nước cũng phức tạp hơn, nhất là trong quản lý thuế, dù thu thuế không hề tăng thêm đồng nào.
Thời gian qua, Bộ Công thương đã tiến hành sửa đổi Nghị định số 95 và đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Theo các doanh nghiệp, dự thảo Nghị định lần cuối cần đăng tải công khai để cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ cùng góp ý, nhằm phát hiện những điều bất hợp lý trước khi ban hành chính thức để tránh những hệ lụy đáng tiếc như đã xảy ra với Nghị định số 95.
“Càng để kéo dài việc sửa đổi Nghị định thì càng có lợi cho doanh nghiệp đầu mối, và việc độc quyền nhóm sẽ có cơ hội duy trì tận dụng sự chậm trễ này, và bất ổn thị trường xăng dầu có thể xảy ra”, do vậy, cần sớm ban hành Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu trong quý 2.2023, không nên chậm trễ hơn để giúp ngành xăng dầu ổn định, hiệu quả, công bằng, các doanh nghiệp bán lẻ đề nghị.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/doanh-nghiep-de-nghi-som-ban-hanh-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau--i328159/