Nhiều sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc tại 2 cơ sở thẩm mỹ


(CHG) Cơ quan công an đã phát hiện hơn 500 sản phẩm chất làm đầy, túi nâng ngực không rõ nguồn gốc, xuất xứ trong cơ thẩm mỹ trên địa bàn quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng.

Một số sản phẩm làm đẹp không rõ nguồn gốc bị công an thu giữ.
Công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng vừa phát hiện 2 cơ sở thẩm mỹ vi phạm công tác bảo vệ môi trường và nhiều vi phạm khác trong hoạt động khám chữa bệnh, làm đẹp.
Ngày 15/5, Công an quận Thanh Khê cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, hoạt động làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ quốc tế Doctor Đà Nẵng (số 27, đường Đào Duy Anh, TP. Đà Nẵng).
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại phòng hậu phậu của cơ sở này có trang bị thùng phân loại rác nhưng không tiến hành phân loại rác thải nguy hại theo quy định.
Ngoài ra, cơ sở cũng chưa cung cấp được hợp đồng thu gom rác thải nguy hại, chưa cung cấp được chứng chỉ hành nghề, hợp đồng lao động của 19 nhân viên làm việc tại đây cũng như sổ theo dõi bệnh nhân khi thực hiện dịch vụ tại cơ sở.
Cùng thời điểm này, Công an quận Thanh Khê tiếp tục kiểm tra cơ sở thẩm mỹ Tuyết Nhung ( k384/H1/10, đường Điện Biên Phủ, TP. Đà Nẵng).
Lúc này, lực lượng công an ghi nhận tại phòng thẩm mỹ có rác thải y tế, thùng rác nhưng không có nắp đậy theo quy định.
Cơ sở thẩm mỹ Tuyết Nhung cũng chưa đăng ký hoạt động kinh doanh thẩm mỹ và mua bán dược phẩm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, cơ quan công an phát hiện tại cơ sở này có 508 sản phẩm chất làm đầy dùng trong thẩm mỹ như túi ngực các loại không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Hiện vụ việc đang được cơ quan công an quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng điều tra, làm rõ.
Trước đó, đầu tháng 2/2023, UBND quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) cũng đã ra quyết định xử phạt cơ sở thẩm mỹ Carla Beauty Center tổng số tiền 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 4 tháng 15 ngày.
Lực lượng công an phát hiện cơ sở này có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, cơ sở sử dụng người hành nghề không có Chứng chỉ hàng nghề khám chữa bệnh; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể người; sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở không phải là bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ theo quy định tại khoản 6, Điều 40, Nghị định 117 năm 2020./.