​Ưu tiên ngân sách duy tu, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị dạy học


(CHG) Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại diện lãnh đạo Bộ cho biết, khó khăn rất lớn trong việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của các địa phương là hạn chế về điều kiện bảo đảm cơ sở vật chất và ngân sách đầu tư chung cho giáo dục, đào tạo.

Cơ sở vật chất chưa đáp ứng điều kiện thực hiện
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do số lượng các trường phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình) rất lớn, trải rộng khắp cả nước, trong đó có cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn, vùng đặc thù vùng dân tộc… dẫn đến việc cùng một chủ trương đổi mới nhưng có nơi thực hiện rất thuận lợi, có nơi lại rất khó khăn. Cùng với đó, ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục, đào tạo còn hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện Chương trình, đặc biệt là cấp tiểu học còn nhiều khó khăn. Đây là khó khăn rất lớn trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của các địa phương. 

Các thành viên Đoàn giám sát của UBTVQH tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: T.Chi

Để hỗ trợ các địa phương tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 phê duyệt Đề án "Bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025" (Quyết định số 1436/QĐ-TTg). Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu đối với giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và THPT với tổng nhu cầu vốn là 28.708 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chiếm 20,9%; nguồn vốn hỗ trợ thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chiếm khoảng 22,8%; nguồn vốn ngân sách Trung ương chi cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo) chiếm 8,9%; nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động khác chiếm 47,5%.
Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg, hầu hết các địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện, các nguồn vốn hỗ trợ đã được phân bổ cho địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, cùng với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách địa phương và huy động khác, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng để đưa các công trình vào khai thác, đáp ứng nhu cầu dạy học.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu theo lộ trình áp dụng chương trình mới.
Bảo đảm tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, trong 3 năm 2018 - 2020, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đã đạt và vượt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa ổn định.
Cùng với đó, trong điều kiện các nguồn lực cho giáo dục bị giảm (không còn các chương trình mục tiêu về giáo dục đào tạo), các dự án mua sắm, sửa chữa lớn phải đưa vào danh mục đầu tư công, qua các khâu thẩm định, phê duyệt theo quy định, không đáp ứng kịp thời các điều kiện cấp thiết, tối thiểu phục vụ giảng dạy, học tập nhu cầu nhiều nhưng đáp ứng rất ít.
Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo có xu hướng tăng nhưng cũng chưa bù đắp được mức tăng của giá cả thị trường, mức tăng lương tối thiểu và việc mở rộng đối tượng chính sách. Việc chi ngân sách nhà nước vẫn chủ yếu là chi thường xuyên, vì vậy nguồn chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo trong những năm qua thực chất bị giảm xuống. Nói cách khác, Nhà nước mới đầu tư ngân sách để duy trì hệ thống giáo dục quốc dân chứ chưa đầu tư phát triển tương xứng với nhiệm vụ đề ra đối với giáo dục, đào tạo, đặc biệt là các chi phí cấp thiết để triển khai nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội phân bổ dự toán ngân sách hằng năm bảo đảm tiêu chí phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đào tạo để bảo đảm tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục theo Nghị quyết số 37/2004/NQ-QH11 của Quốc hội, Luật Giáo dục 2019; chi đầu tư phát triển tách riêng lĩnh vực giáo dục để bảo đảm tối thiểu tổng chi theo quy định.
Tại thời điểm xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có Chương trình mục tiêu quốc gia (bảo đảm trường, lớp đủ cấp tiểu học học 2 buổi/ngày. Vì vậy, Bộ đề xuất Quốc hội xem xét triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia cơ sở vật chất cho giáo dục. Đồng thời, xem xét, ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo hỗ trợ các địa phương, các cơ sở giáo dục khó khăn không cân đối được thu - chi để thực hiện duy tu bảo dưỡng và mua sắm trang thiết bị dạy học theo Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 29/10/2018 để bảo đảm có đủ cơ sở vật chất phục vụ dạy học và chuẩn bị cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình tại Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội./.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/uu-tien-ngan-sach-duy-tu-bao-duong-mua-sam-trang-thiet-bi-day-hoc-i328470/