Cú hích đối với hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc


(CHG) Cho đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 Tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc đáp ứng một phần nhu cầu đối với truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thủy - hải sản, các loại thịt, rau quả tươi và một số yêu cầu đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc. Dự kiến, đến cuối năm 2023, công bố thêm khoảng 20 tiêu chuẩn nữa cho nhiều loại sản phẩm, hàng hóa khác có tác động trực tiếp tới đời sống.
 

 
Ảnh minh họa.
Ngày 19/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” (gọi là Đề án 100) nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Đề án tập trung vào hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.
Nâng cao nhận thức xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.
Có 5 nhóm nội dung nhiệm vụ và giải pháp chính gồm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; Xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất cả nước; Nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; Thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; Xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá Quốc gia.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố 23 tiêu chuẩn Việt Nam về truy xuất nguồn gốc đáp ứng một phần nhu cầu đối với truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng thủy - hải sản, các loại thịt, rau quả tươi và sẽ công bố 20 tiêu chuẩn Việt Nam nữa cho nhiều sản phẩm khác vào cuối năm 2023.
Bộ cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư về quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc, dự kiến sẽ ban hành vào tháng 12/2023; Đang trong tiến trình xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương đã và đang triển khai xác định các nhóm sản phẩm, hàng hóa cần ưu tiên áp dụng truy xuất nguồn gốc; Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc phục vụ quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc; Áp dụng thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và nhân rộng mô hình tới các doanh nghiệp trong các ngành nghề khác.
Xây dựng chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, vận dụng cơ chế tài chính phù hợp để thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tập huấn, phổ biến và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam và quy định về truy xuất nguồn gốc; Tích cực tuyên truyền, phổ biến và quảng bá về lợi ích của việc triển khai truy xuất nguồn gốc.
Đề án 100 có thể coi là cú hích tích cực thúc đẩy sự hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc./.