(CHG) Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành điều tra và phát hiện ông N.T.V. và bà T.T.D. đều trú tại tỉnh Quảng Nam thực hiện chuyển hướng cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng Bộ Công an.
Tại cơ quan công an, ông V. và bà D. thừa nhận hành vi sai phạm của mình.
Chiều 22/5, thông tin từ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 11 triệu đồng đối với 2 đối tượng do có hành vi chuyển cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Công an sai quy định.
Thời gian gần đây, đường dây nóng Bộ Công an tiếp nhận nhiều cuộc gọi từ các tổ chức tài chính, các ứng dụng vay tiền thúc ép trả nợ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến an ninh quốc gia.
Trước tình hình đó, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Nam đã tiến hành điều tra và phát hiện ông N.T.V. (sinh năm 1996, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) và bà T.T.D. (sinh năm 1990, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đã thực hiện chuyển hướng cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng Bộ Công an.
Qua làm việc, ông N.T.V. và bà T.T.D. khai nhận có vay tiền qua ứng dụng online trên điện thoại. Sau nhiều lần trả nợ, nhân viên cho vay liên tục gọi điện cho cá nhân và người thân trong gia đình để thúc ép trả nợ nên ông V. và bà D. đã chuyển hướng cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng nhằm không bị làm phiền.
Qua làm việc với cơ quan công an, ông V. và bà D. đều thừa nhận hành vi sai phạm của mình.
Căn cứ lời khai và chứng cứ thu thập, Phòng An ninh chính trị nội Bộ Công an tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông N.T.V. và bà T.T.D. mỗi người 5,5 triệu đồng.
Việc xử phạt đối với ông N.T.V. và bà T.T.D được thực hiện theo quy định tại Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Vay tiền qua ứng dụng (app) 1 cách dễ dàng, nhưng đến hạn không trả được nợ, các chủ nợ đã liên tục gọi điện đến người vay, người thân, bạn bè, đồng nghiệp để ép người vay phải thanh toán tiền đã vay. Việc đòi nợ này được ví đòi nợ theo kiểu "giang hồ".
Việc rất dễ vay tiền qua app, cho thấy thực trạng vay tiền online này đang hoạt động rất rầm rộ. Hàng loạt app, trang web cho vay được quảng cáo trên Facebook, YouTube.
Chỉ cần gõ tìm app vay tiền trên ứng dụng điện thoại, người vay có thể tìm thấy khoảng 40 app cho vay đủ thể loại trong đó có những app mời gọi rất hấp dẫn như vay tiền siêu tốc, vay tiền lấy liền, vay tiền nhanh - cho vay nhanh…
Tuy nhiên cũng có trường hợp bị "khủng bố" cuộc gọi, tin nhắn đòi nợ từ công ty tài chính dù không có khoản vay nào./.