Bắt quả tang tiểu thương kinh doanh nhiều điện thoại iPhone nghi nhập lậu


(CHG) ​Một tiểu thương thu mua điện thoại iPhone trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời đã bị lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên thu giữ toàn bộ tang vật.


Số điện thoại vi phạm.

Trong quá trình kiểm tra lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hộ kinh doanh V.T.H. có địa chỉ tại tổ dân phố Thái An, Thị trấn Đu, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, đang bày bán hàng chục điện thoại iPhone các loại có tổng giá trị theo giá niêm yết là 91.000.000 đồng.
Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra cửa hàng điện thoại của hộ kinh doanh V.T.H. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 24 chiếc điện thoại iPhone các loại là hàng đã qua sử dụng, không rõ chất lượng, không có vỏ hộp, bao bì hàng hóa kèm theo. Quá trình đấu tranh, kiểm tra, đoàn phát hiện số điện thoại trên đều có xuất xứ từ nước ngoài.


Đoàn kiểm tra tiến hành làm việc với chủ hộ kinh doanh.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông H. cho biết toàn bộ số điện thoại trên ông mua trôi nổi trên thị trường của một người không quen biết. Người bán cho biết đây là hàng đã qua sử dụng không rõ tên tuổi địa chỉ, không có bất kỳ hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì liên quan chứng minh tính hợp pháp của số điện thoại trên.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh V.T.H với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) liên tục đăng tải nhiều bài viết về hàng hóa là điện thoại, máy tính xách tay, mở seal fullbox, hàng cũ 99,9%, bản quốc tế… có dấu hiệu là hàng cũ đã qua sử dụng và có dấu hiệu nhập lậu… nhưng được nhiều thương nhân uy tín quảng cáo, bày bán công khai, nhưng không xuất hóa đơn VAT cho khách, nhằm mục đích che giấu nguồn gốc hàng hóa.../.

Theo khoản 3 Điều 7 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.
Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này”.
Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu cũng phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu. Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP. Tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm, mức tiền xử phạt được quy định tại khoản 2 Điều này, như sau (mức phạt áp dụng đối với tổ chức; cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa):
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;      - Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
- Phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là: lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa; buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định pháp luật.
Nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa là hàng nhập khẩu, cơ quan chức năng khuyến cáo: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ”.