Thu giữ hơn 50 bình khí cười trong quán karaoke


(CHG) Tại một quán karaoke trên địa bàn TP. Uông Bí, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, phát hiện cơ sở đang tàng trữ trái phép 53 bình khí nén bằng kim loại chứa khí N2O. Số bình này khá đa dạng, nặng từ 10 - 14kg với tổng trọng lượng lên đến hơn 600kg.

Tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ.

Qua công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 6, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp Công an TP. Uông Bí bất ngờ kiểm tra quán Karaoke Thanh Khương (tổ 10, khu 1, phường Vàng Danh, TP. Uông Bí).
Lực lượng chức năng phát hiện tại đây chứa tới 53 bình khí nén bằng kim loại, bên trong chứa khí N2O (thường gọi là khí cười). Số bình này khá đa dạng, nặng từ 10 - 14kg, với tổng trọng lượng lên đến hơn 600kg.
Chủ quán Karaoke trên là bà Phạm Thị Thanh (trú phường Vàng Danh, TP. Uông Bí). Thời điểm kiểm tra, bà Thanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số bình khí nén trên. Ngoài ra, cơ sở này cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất theo quy định.
Làm việc với lực lượng chức năng, chủ cơ sở cho biết đã mua số bình khí nén trên về để bơm khí cười vào các quả bóng bay, sau đó bán lại cho khách có nhu cầu sử dụng. Quá trình tàng trữ tại cơ sở đã bị lực lượng công an phát giác và thu giữ. Hiện, Công an TP.
Uông Bí đang hoàn tất hồ sơ để xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh khí cười trái phép trên địa bàn, từ ngày 19/3 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá hàng chục cơ sở tàng trữ khí cười, thu giữ hàng trăm bình khí N20 các loại không có hóa đơn, chứng từ cùng nhiều tang vật có liên quan.
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung tăng cường đấu tranh với các hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “bóng cười”.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân, đặc biệt là giới trẻ, học sinh sinh viên không nên “thử” hay sử dụng để tránh lạm dụng, phụ thuộc khí N2O. Nhà trường, gia đình đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục học sinh, sinh viên, con em mình chủ động phòng ngừa, không sử dụng và không để bị “lôi kéo” sử dụng khí N2O./.