Tổng cục QLTT yêu cầu xác minh, xử lý nghiêm vụ cây xăng “gian lận” ở Đồng Nai


(CHG) Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn số 1025/CV-CNV ngày 24 tháng 5 năm 2023 gửi Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai về việc khẩn trương xác minh, kiểm tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.


Cửa hàng xăng dầu bị tố có dấu hiệu vi phạm.

Cụ thể, mới đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đăng tải các bài viết, hình ảnh về việc Trạm xăng dầu Công ty TNHH MTV Tổng Công ty 28 (đường Bùi Văn Hòa, Khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trước thông tin trên, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Đội Quản lý thị trường trực thuộc tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Theo phản ánh của báo chí, các nhân viên, cửa hàng trưởng trạm xăng dầu Công ty TNHH MTV Tổng công ty 28 (đường Bùi Văn Hòa, Khu phố 6, phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã “móc túi” nhiều khách hàng bằng chiêu trò bơm nối số.
Chiều 23/5, Trung tá Phạm Hồng Minh - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu 28 - Tổng công ty 28 cho biết, đã xử lý các cá nhân liên quan đến thông tin báo chí phản ánh. Qua làm việc, các nhân viên thừa nhận có việc bơm xăng nối số, không trả về 0 là vi phạm quy trình bán hàng.
Ban giám đốc Công ty xăng dầu 28 đã đình chỉ công tác đối với trạm trưởng và trạm phó, đồng thời cử một người thay thế.
Về phía Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Tham Lâm, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Đội Quản lý thị trường phụ trách địa bàn thành phố Biên Hòa và Đội 389 tỉnh nhanh chóng tiến hành xác minh thông tin và làm việc với các đơn vị liên quan ngay trong chiều 24/5/2023.

 

Hành vi gian lận bơm xăng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất mức độ của từng hành vi.
Các hình thức xử lý bao gồm:
Về xử phạt hành chính: Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định người có hành vi "đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng" bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự: Hành vi gian lận nói trên cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng.
Điều 198 Bộ luật Hình sự quy định, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; hoặc thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
Người vi phạm cũng sẽ bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm nếu phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; hoặc thu lợi bất chính trên 50.000.000 đồng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Quyền lợi của người tiêu dùng được quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010:
Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.