Quyết liệt quản lý tài khoản sim điện thoại


(CHG) Theo nhận định của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 sẽ là năm dữ liệu số trên cơ sở chủ trương bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối, chia sẻ, an toàn dữ liệu, xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia. Việc đầu tiên, Bộ triển khai quyết liệt là chuẩn hoá dữ liệu sim điện thoại để hạn chế “sim ảo”.
 
Chuẩn hoá dữ liệu sim
Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII của Đảng đã chính thức coi chuyển đổi số là phương thức phát triển mới, có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Công nghệ số trở thành công nghiệp hiện đại. Theo đó, hiện đại hoá Việt Nam chính là chuyển đổi số.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài, mở mang trí thức, công nghệ số của Việt Nam.
Theo kế hoạch, Bộ sẽ tập trung giải quyết nhiều vấn đề nóng của ngành như sim rác, thương mại hoá 5G, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Về chuyển đổi số, sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự giải quyết trực tuyến, nâng tỷ lệ tài khoản sử dụng các nền tảng số Make in Viet Nam. Bên cạnh đó, về công nghiệp số sẽ tập trung vào sản xuất thiết bị viễn thông, thiết kế chip, nền tảng số…
Trong 10 năm tiếp theo, Bộ sẽ từng bước thực hiện những chuyển dịch quan trọng như: từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ xử lý thông tin hữu hạn sang xử lý số liệu số vô hạn, để tạo ra giá trị mới, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công lắp ráp sang sản xuất tại Việt Nam, từ thị trường trong nước sang truyền thông số. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới số trở thành động lực cơ bản để phát triển.
Quý I/2023, các doanh nghiệp viễn thông đã quyết liệt triển khai việc chuẩn hoá thông tin thuê bao di động. Theo báo cáo, tính đến 15/5, sau khi rà soát, đối chiếu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp xác định, đã có hơn 2,8 triệu thuê bao di động thực hiện chuẩn hoá trong tổng số 3,84 triệu thuê bao cần được thông báo chuẩn hoá.
2,8 triệu thuê bao di động (chiếm 74,21%) thực hiện chuẩn hoá trong 3 giai đoạn: sau khi nhận được thông báo (từ 15/3-31/3), sau khi bị khoá 1 chiều (từ 31/3) và sau khi bị khoá 2 chiều (từ 15/4). 
Tuy nhiên, vẫn còn hơn 985 nghìn thuê bao (25,79%) chưa thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao.
Với số thuê bao bị thu hồi này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thu về kho số của mình và thực hiện việc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu theo quy định tại điểm h khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Bộ sẽ tập trung thanh tra diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao của doanh nghiệp viễn thông di động, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là với thuê bao đang sử dụng, sở hữu nhiều sim/giấy tờ (>=10 sim/giấy tờ).
Đồng thời, Bộ khuyến nghị người sử dụng dịch vụ nâng cao ý thức, không sử dụng, tiếp tay cho việc mua bán các sim không đúng quy định trên thị trường, đồng thời, khi phát hiện sim di động đang sử dụng có thông tin không đúng với thông tin của bản thân thì chủ động liên hệ với các số điện thoại chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp di động để cập nhật nhằm bảo đảm quyền lợi của chính mình.
Cần cảnh giác với tội phạm lừa đảo bằng sim rác. 
Quyết liệt chặn nguồn phát tán tin nhắn, cuộc gọi “rác”
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có báo cáo kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 75/2022 của Quốc hội về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông. Theo đó, Bộ TT&TT đã đồng thời thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn “rác”, cuộc gọi “rác” quấy nhiễu, gây phiền toái cho người dùng.
Bộ TT&TT đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn thường xuyên rà quét, phát hiện và xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm pháp luật, chủ yếu là các vi phạm về tin giả, thông tin xấu độc tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo vi phạm pháp luật.
Bộ TT&TT đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới, điển hình như Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm; gỡ bỏ các hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; gỡ bỏ các tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; ngăn chặn các kênh Youtube phản động.
Bộ TT&TT cũng đã thực hiện vận hành Cổng tingia.gov.vn tiếp nhận hàng nghìn phản ánh và thực hiện công bố kịp thời nhiều tin giả, tin sai sự thật, kịp thời ngăn chặn sự phát tán của tin giả, tin sai sự thật; chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam, dự kiến bắt đầu vào giữa tháng 5. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng sẽ chú trọng việc thực hiện phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật.
Bộ TT&TT cũng đang khẩn trương hoàn thiện pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, tên miền, nội dung giải trí trên không gian mạng; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hiệu quả các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội.
Tại Hội nghị chỉ đạo, quán triệt triển khai thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với đại diện 63 Sở TT&TT trên toàn quốc ngày 19/5 vừa qua, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, thời gian qua, Bộ đã làm rất quyết liệt về việc cập nhật thông tin thuê bao, đối soát với giấy tờ trong cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư để thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao.
“Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo thanh tra đột xuất diện rộng trên địa bàn cả nước. Vì vậy, Thanh tra Bộ TT&TT, Cục Viễn thông, các Sở TT&TT cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn, thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện ra thuê bao kích hoạt sẵn còn tồn trên kênh, có hay không việc sử dụng thông tin giả để đăng ký thuê bao”. 
Ngày 31/3, Bộ đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các Sở triển khai thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao đối với các Chi nhánh của doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, các tổ chức/cá nhân đăng ký số lượng lớn sim.
Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố phối hợp chỉ đạo thực hiện, yêu cầu 8 doanh nghiệp viễn thông di động trích xuất dữ liệu thông tin thuê bao cung cấp cho các Sở TT&TT phục vụ công tác thanh tra; chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông thành lập 82 Đoàn thanh tra với 445 cán bộ tại 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh của 8 doanh nghiệp viễn thông, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn sim thuê bao. 
Đợt thanh tra diện rộng này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.
Đối tượng thanh tra trọng tâm là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều sim thuê bao, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều sim để lưu thông ra thị trường, trong đó bao gồm cả các Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông do doanh nghiệp viễn thông thiết lập; việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quản lý thông tin thuê bao của doanh nghiệp viễn thông; phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm Nghị định số 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thông tin thuê bao.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: Các đoàn thanh tra cần tập trung làm rõ những tồn tại, sai phạm về quản lý thông tin thuê bao phát sinh trong quá trình đăng ký, quản lý thông tin thuê bao và xử lý dứt điểm các tình trạng: Lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt sẵn sim hàng loạt; kích hoạt nhiều sim và bán, lưu thông ra thị trường, mua, sử dụng sim đã đăng ký thông tin của người khác không đúng quy định, không thực hiện thay đổi lại thông tin khi chuyển quyền sử dụng; giả mạo, sửa đổi giấy tờ tuỳ thân để đăng ký thông tin thuê bao; đăng ký, kích hoạt sim số lượng lớn nhưng không chứng minh được mục đích sử dụng.
Các đơn vị thuộc Bộ, Sở TT&TT tập trung nguồn lực triển khai bảo đảm đạt được các mục tiêu nêu trên, nhất là xử lý triệt để việc mua, bán sim đã đăng ký trước thông tin thuê bao. Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông và các đơn vị thuộc Bộ hướng dẫn cho các Sở TT&TT, các Đoàn thanh tra về phương án, kịch bản kiểm tra cụ thể để phát hiện sai phạm; phối hợp, hỗ trợ kịp thời cho các Đoàn thanh tra trong quá trình triển khai.
Đợt thanh tra này cũng nắm rõ danh sách các đại lý nhập sim, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn, nhất là các đại lý nhập sim số lượng lớn, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông đăng ký số lượng lớn sim, nắm rõ thời điểm sim được kích hoạt số lượng lớn đẩy ra thị trường để có biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời, không để sim đã đăng ký thông tin, kích hoạt được bán ra thị trường.