Cảnh báo ngộ độc thực phẩm ngày nắng nóng


(CHG) Trong điều kiện nhiệt độ cao của mùa hè từ 37-40 độ C, các loại vi khuẩn phát triển mạnh. Vì vậy, nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…



Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc thực phẩm, với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Trong điều kiện nhiệt độ cao từ 37-40 độ C, các loại vi khuẩn phát triển mạnh. Có thể kể đến như E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy; vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn; vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột; vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương; vi khuẩn Vibrio cholerea gây bệnh tả…
Mùa hè cũng là thời điểm có nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải và sự phát triển mạnh của côn trùng truyền bệnh như ruồi, nhặng, gián, muỗi… 
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chính: một là do vi khuẩn và các độc tố của vi khuẩn; hai là do các loại hóa chất khác nhau như chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… được đưa vào thực phẩm; ba là thực phẩm tự nhiên gây độc như cá nóc, sắn, nấm độc… Ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe ở nhiều mức độ khác nhau; nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước…; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nữa. 
 Ảnh minh hoạ.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngày nắng nóng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ y tế) khuyến cáo, người tiêu dùng cần chọn mua thực phẩm tươi, có nhãn mác, thời hạn sử dụng lâu dài và chỉ nên mua, sử dụng thực phẩm trong ngày. Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh. Bảo quản thực phẩm cẩn thận, tránh ruồi nhặng. Ngoài ra, quá trình lựa chọn thực phẩm cũng cần cẩn trọng, bởi hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thực phẩm tồn dư hóa chất độc hại từ khi thu hoạch.
Người tiêu dùng nên dành thời gian để lựa chọn thực phẩm cho mình. Nếu không tự tay chọn lựa được thì hãy chọn những địa chỉ uy tín để đặt đồ, gọi món sao cho phù hợp với nhu cầu của gia đình, bảo đảm sức khỏe.
Nên tăng lượng hoa quả trong thực đơn hàng ngày của gia đình. Ưu tiên sử dụng những loại quả “có múi” như cam, quýt, bưởi nhiều vitamin C; dưa gang, thanh long, mía... Các loại hoa quả này đồng thời sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ thải độc và làm mát cơ thể. Nước ép từ hoa quả cũng là một cách để bổ sung vào cơ thể nhanh chóng giúp làm giảm cơn khát.
Ngoài ra cần bổ sung các loại rau củ có tính mát, giải độc như rau mồng tơi, rau ngót, rau dền, bí đao, cà chua… Các loại rau gia vị như rau diếp cá và rau má cũng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Rau xanh cung cấp chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động. 
Nên ăn đa dạng, đa chủng loại, đa màu sắc các loại rau xanh và hoa quả chín. Lượng sau xanh hoa quả chính từ 400-600g/người/ngày.
Người tiêu dùng cũng nên sử dụng thêm các loại hạt: đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, hạt sen... có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp kích thích hệ tiêu hóa, giảm bớt tình trạng táo bón. Các loại hạt này cũng chứa nhiều vitamin B, khoáng chất hỗ trợ chuyển hóa chất béo trong gan. Các món ăn chế biến từ các loại hạt dễ ăn như cháo, chè, nước uống…
Thời tiết nắng nóng cũng ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa, nên người tiêu dùng cần hạn chế những thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, đồ đóng hộp chứa lượng lớn dầu mỡ, chất béo... 
Lựa chọn thêm cá và hải sản: cá hồi, cá thu, cá ngừ... là những loại thực phẩm có hàm lượng đạm cao, chất lượng tốt và các axit amin cân đối. Cá có nhiều chất khoáng và vitamin hơn thịt, cung cấp nguồn lipid quý, axit béo omega-3, DHA và EPA là một loại acid béo không no. Đây là loại acid béo cơ thể không tự tổng hợp được, mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm.
Nên ăn chất đạm đa dạng từ nguồn đạm động vật và thực vật, với tỷ lệ cân đối giữa nguồn đạm động vật và thực vật; giảm tiêu thụ thịt các loại, nhất là các loại thịt đỏ 70g/ngày/người; tăng cường ăn thực phẩm lành mạnh như cá, hải sản, trứng, sữa, thịt gia cầm…
Hạn chế ăn mặn, đồ ngọt. Người trưởng thành nên ăn giảm muối xuống dưới 5g/ngày. Hạn chế hoặc không sử dụng nước ngọt (có ga hoặc không có ga), bánh kẹo, các loại nước uống liền như trà, cà phê, sữa đặc có đường. Bên cạnh đó, việc rất cần thiết là phải duy trì nếp sinh hoạt điều độ, ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc. Cần xây dựng bữa ăn cân bằng dinh dưỡng. Tránh để bản thân stress quá độ, lo âu triền miên. Nên tăng cường hoạt động tập thể dục đều đặn, rèn luyện thể lực giúp tăng cường hệ miễn dịch… nhằm tăng khả năng sức khỏe của mỗi cá nhân trong những ngày đầu hè oi bức.