​Chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng


(CHG) Một chiếc điện thoại thông minh có phần mềm quét mã và bằng một số thao tác, người tiêu dùng có thể nhận diện được "đường đi" của hàng hoá. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, vì sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng ngày càng tràn lan, không doanh nghiệp nào muốn sản phẩm của mình bị đánh đồng hàng tốt với hàng kém chất lượng.

Lợi ích của truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Người tiêu dùng thông qua truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc...
Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là “bức tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.
Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Thời  gian qua, tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm của không ít doanh nghiệp đã gây bức xúc cho người tiêu dùng, dẫn đến làm suy yếu năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế.                                                            
Trong bối cảnh khách hàng ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, truy xuất nguồn gốc là “chìa khóa” khởi tạo lại niềm tin cho người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng chính là thông điệp về chất lượng sản phẩm mà nhà cung cấp muốn gửi tới khách hàng một cách cụ thể nhất.
Hiện ở Việt Nam, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã được thực hiện với nhiều hình thức khác nhau. Có thể kể đến như: ISO 9000, ISO 22005… Đây là những tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc của GS1 trên toàn cầu. Trong xu thế hiện nay, tem truy xuất nguồn gốc được xem là một công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thông qua việc dán tem truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình đạt chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic, có chất lượng tốt sẽ dễ tiếp cận với khách hàng hơn.
Đặc biệt, đầu năm 2019 Chính phủ đã phê duyệt Đề án áp dụng và quản lý hệ thống Truy xuất nguồn gốc. Theo đó đề án mới sẽ tiến hành nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thống nhất cho cả nước; xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc Quốc gia.
Hiệu quả 2 chiều nhà sản xuất – người tiêu dùng
Những năm gần đây, khi truy xuất nguồn gốc trở thành xu thế và người tiêu dùng Việt ngày càng đặt niềm tin nhiều hơn vào các sản phẩm có tem truy xuất nguồn gốc, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng cho mình bộ truy xuất hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa nông sản theo các tiêu chuẩn có uy tín như VietGap, GlobalGap, Organic...
Bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng có xu hướng muốn biết nhiều hơn về nơi sản xuất, quy trình và quy cách của sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc... Việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc vì những lợi ích bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

                                                                           Truy xuất nguồn gốc hàng hóa: Chìa khóa khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Mặt khác, khi người tiêu dùng đòi hỏi và sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm an toàn, chất lượng thì doanh nghiệp sẽ chủ động sản xuất sạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thêm vào đó, tình trạng hàng giả, kém chất lượng sẽ từng bước được ngăn chặn.

Theo nhiều chuyên gia, việc minh bạch nguồn gốc hàng hoá góp phần củng cố thương hiệu và gia tăng giá trị của sản phẩm, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cũng như tăng tính cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh liên kết giữa các vùng sản xuất trên cả nước với các nước trên thế giới, hình thành mạng lưới toàn cầu cho các sản phẩm của Việt Nam.
Yêu cầu của thị trường chính là mệnh lệnh dành cho nhà sản xuất. Điều đó cũng có ý nghĩa, khi người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi của mình, tự kiểm tra các thông tin minh bạch bằng truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước khi đưa ra quyết định mua hàng thì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã xây dựng được văn hóa tiêu dùng mới. Đấy là văn hóa tự bảo vệ chính mình.
Hay nói cách khác, khi người tiêu dùng thông minh biết tận dụng tối đa quyền lợi của mình thì chính người tiêu dùng cũng đang tạo sự hỗ trợ cho nhà sản xuất. Để tồn tại, nhà sản xuất phải bằng văn hóa mới - văn hóa tự chịu trách nhiệm, sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng và vì quyền lợi người tiêu dùng.
Truy xuất nguồn gốc vừa là công cụ hữu hiệu giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể đảm bảo được chất lượng trong sản xuất và quyền lợi người dùng; vừa là yếu tố để nhà sản xuất và người tiêu dùng hướng đến xây dựng một văn hóa mới phù hợp với sự phát triển./.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Produce traceability) là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối.
Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002 quy định: "Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối".
Trên thế giới, từ năm 2005, Liên minh Châu Âu truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc cho các nước thành viên. Hệ thống siêu thị bán lẻ ở Anh cũng tăng cường hệ thống kiểm định này.
Tháng 1/2011, Hoa Kỳ ban hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act), trong đó: yêu cầu tăng cường theo dõi, truy vết, lưu trữ hồ sơ đối với thực phẩm nguy cơ cao. Ireland, Canada quy định nghiêm ngặt về việc dán nhãn mác, nhận diện sản phẩm, cơ sở sản xuất. Ở Ấn Độ, từ năm 2006, các nhà sản xuất, chế biến nho đã thiết lập và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử GrapeNet.
Từ năm 2010, Thái Lan ban hành chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc điện tử, xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc điện tử để nông dân vào đăng ký dùng miễn phí, do Văn phòng quốc gia về tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm (ACFS-The National Bureau of Agricultural Commodity and Food Standards) tập huấn và hỗ trợ. Tất cả các sản phẩm chuối nải, chuối quả, sầu riêng quả bán ở cửa hàng rau quả nhỏ ở Thái Lan cũng được dán mã QR. Nhờ đó, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng cho người nông dân.
Theo Wikipedia