Người tiêu dùng cần đánh giá về rủi ro mô hình “sở hữu kỳ nghỉ"


(CHG) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa đưa ra khuyến cáo người dân khi tham gia mô hình “sở hữu kỳ nghỉ". Theo cơ quan này, người dân trước khi tham gia cần tìm hiểu kỹ thông tin bên cung cấp và nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết.

Sở hữu kỳ nghỉ khác với sở hữu bất động sản
Tại Việt Nam, tình hình Covid-19 đã được khống chế, đời sống nhân dân, cũng như nền kinh tế đang từng bước phục hồi và đi vào nền nếp. Chính phủ rất quan tâm tới việc phát triển ngành du lịch, nhiều địa phương đã tham gia tích cực và đưa ra nhiều giải pháp kích cầu du lịch…
Song song với các chương trình kích cầu du lịch của nhiều địa phương, hiện nay có một số đơn vị đã gọi điện mời gọi nhiều người dân tham gia các buổi hội thảo, sự kiện giới thiệu “sở hữu kỳ nghỉ”… Loại hình này xuất hiện từ vài năm nay và là khái niệm không còn quá mới mẻ, một số thời điểm mô hình này được nhắc đến như một giải pháp kích cầu du lịch hậu Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng, thời gian qua, thị trường chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo.

Nhiều người tiêu dùng "tiền mất, tật mang" vì không đọc kỹ điều khoản hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ".

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, để cung cấp "sở hữu kỳ nghỉ" bên bán có thể sở hữu (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) hoặc không sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Ngay cả trường hợp bên bán sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn không đồng nghĩa với bên mua kỳ nghỉ có quyền sở hữu bất động sản.
Người tiêu dùng cần lưu ý, hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản.
Đối với những đơn vị chào bán sản phẩm (không sở hữu dự án, khách sạn) họ bán sản phẩm lưu trú trên cơ sở hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của đối tác.
Đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ lưu trú, việc đi nghỉ dưỡng trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án hoạt động chính thức. Điều này có nghĩa là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ, khách sạn chưa hình thành.
Đối với loại hình bên bán không có dự án, khách sạn... việc cung cấp sản phẩm đến người mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba, do bên bán ký kết, hợp tác.
Vì vậy, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên bán gặp trục trặc từ đối tác hoặc thậm chí là biến mất.
Cần đánh giá về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế
Hiện nay, hầu như tất cả các hợp đồng mua-bán “sở hữu kỳ nghỉ” đều là hợp đồng dài hạn, người tiêu dùng (NTD) đều phải trả trước số tiền lớn. Do đó, người mua cần đánh giá về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế.
Nhiều phản ánh NTD sản phẩm trên thực tế không như các thông tin quảng cáo. Hơn nữa, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích cho bên cung cấp dịch vụ.
Trước khi quyết định, NTD yêu cầu cung cấp đầy đủ hợp đồng và nghiên cứu kỹ các vấn đề như xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Bởi hầu hết các hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” hiện nay đều là dài hạn, bên cạnh khoản phí cố định từ đầu, NTD sẽ phải đóng thêm nhiều phí khác như phí thường niên; phí quản lý...

Khách hàng lo mất cả trăm triệu đồng khi mua kì nghỉ du lịch vì không liên lạc được giám đốc công ty.

NTD nghiên cứu các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng. Ví dụ, thời điểm bắt đầu được quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng không, nếu có thì đi kèm điều kiện gì...?
Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như không cho NTD hủy ngang hợp đồng; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm…
Do đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo NTD trước khi tham gia sự kiện giới thiệu “sở hữu kỳ nghỉ” cần tìm hiểu thông tin bên cung cấp.
Các cảnh báo đối với người tiêu dùng về việc chọn lựa đúng sản phẩm là cần thiết, nhưng nếu thị trường tiếp tục thiếu vắng hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm của cơ quan quản lý thì liệu rằng những cảnh báo đó có cứu vớt được thị trường và người tiêu dùng? 

Trước đó, năm 2022, trên cơ sở tiếp nhận một số khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (Công ty) và đã ban hành Quyết định số 300/QĐ-XPVPHC 28/12/2022, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty này đối với hai hành vi: Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng; Và sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định.
Đến nay, Công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: “Buộc cải chính thông tin đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng”.