Áp thuế tiêu thụ đối với đồ uống có đường là cần thiết


(CHG) Tham gia vào Dự thảo hồ sơ xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu bổ sung áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng, trong đó có đồ uống có đường.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm định hướng tiêu dùng. 
Tại Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 và tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 155/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loại sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025;
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ nghiên cứu và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng trong đó có việc đề xuất mức thuế phù hợp đối với các sản phẩm đồ uống có đường, các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe và các sản phẩm kinh doanh có điều kiện để hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước nên khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước cũng đã dân bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Tại ASEAN, đã có 6/10 nước (Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar) áp dụng thếu TTĐB đối với đồ uống có đường. Hiện nay, Indonesia cũng đang xem xét áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng này.
Đề xuất của Bộ Tài chính đã nhận được nhiều sự đồng thuận của các chuyên gia. Tuy nhiên, cần xem xét tới việc thích ứng với chính sách thuế này của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống có đường. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng phải xem xét thời điểm và mức độ, cách đánh thuế sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, trên thế giới có một số cách thức đánh thuế khác nhau, như đánh thuế theo tỷ lệ %, theo dung tích, theo hàm lượng hoặc theo ngưỡng đường trong đồ uống. Mỗi phương thức có ưu, nhược điểm khác nhau. Theo đó, việc thiết kế chính sách thuế theo ngưỡng đường sẽ mang lại kết quả hài hòa, khi đó, chính sách thuế-với tư cách là công cụ điều tieets của Nhà nước sẽ góp phần làm cho thị trường cân bằng hơn, tức là sản lượng đồ uống có đường sẽ không tăng hoặc giảm đi chút ít. Người dân giảm tiêu thụ đồ uống nhiều đường và tăng tiêu thụ đồ uống không đường, ít đường, qua đó mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho người dân.
Theo chuyên gia, vấn đề điều tiết tiêu dùng không chỉ phụ thuộc vào chính sách thuế mà còn phụ thuộc vào các biện pháp khác (như quy định xử phạt hành chính); cần tuyên truyền, giáo dục để người dân thấy được tác hại của đồ uống có đường. Theo đó, ngoài biện pháp thuế, Nhà nước cũng nên tiến hành các biện pháp bổ trợ khác như quy định công bố hàm lượng đường ở nhãn bao bì, cảnh báo mức độ đường với thông tin rõ rệt để người dân lựa chọn; cấm quảng cáo và tiến hành các chiến dịch truyền thông để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh, nhằm ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh lý khác do sử dụng quá nhiều đường gây ra. Việc kết hợp các biện pháp khác cùng với việc đánh thuế sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường./.