Giả mạo nhãn hiệu Crocs, trên 400 sản phẩm giầy dép bị thu giữ


(CHG) Trên 400 sản phẩm giầy, dép có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Crocs vừa bị Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP.HCM phát hiện và thu giữ.

Ngày 22/6/2023, Đội QLTT số 4, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Công an Phường 2, Quận 3 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với Hộ kinh doanh giày dép 52, tại đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 2, quận 3, TP.HCM.
 Kết quả kiểm tra, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Crocs đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tang vật vi phạm là 426 đôi giày, dép các loại, có trị giá gần 134 triệu đồng. Theo trình bày, toàn bộ số hàng hóa trên được chủ cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.
Đội QLTT số 4 tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định.
Liên quan tới kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tại Đắk Lắk, ngày 20/5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị xử phạt ông Lâm Minh Thức – chủ cửa hàng kinh doanh giày thể thao trên địa bàn phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột, số tiền 10 triệu đồng.
Ông Lâm Minh Thức đã có hành vi bày bán hàng hóa là giầy thể thao gắn nhãn hiệu NIKE và hình (được bảo hộ dùng cho mặt hàng giầy dép, theo bản sao của Đăng bạ nhãn hiệu hàng hóa quốc gia số 3440 tại Công văn số 2771/SHTT-SCVB của Cục Sở hữu trí tuệ ngày 6/4/2021) mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, vi phạm quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009. Trị giá tang vật vi phạm là 7,5 triệu đồng.
Được biết, số hàng hóa này ông Thức mua trôi nổi trên thị trường, sau đó đăng tải lên tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân bán kiếm lời.
Trước đó, ngày 16/5 tại Lạng Sơn, Đội Quản lý thị trường số 7 đã chủ trì, phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh, Chi cục Hải quan Tân Thanh tiến hành kiểm tra kho hàng tại số 18, đường Trường Học, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do bà C.T.K.L. làm chủ.
Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện kho chứa 05 loại hàng hóa với hơn 4.000 sản phẩm là hóa mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu gồm: Viên giặt xả quần áo, dung dịch tẩy rửa dạng gel và các sản phẩm khác như bình giữ nhiệt, lõi thép nhãn hiệu STARBUCKS.
Toàn bộ số hàng trên sản xuất ngoài Việt Nam, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Để xác minh xuất xứ lô hàng trên, Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP, căn cứ vào mục đích của hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, cá nhân có thể bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hoặc sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
- Về hành vi giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đẻ buôn bán kiếm lời: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 11 Nghị định);
- Về hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: bị phạt tiền ở mức thấp nhất là 1.000.000 đồng và mức cao nhất là 50.000.000 đồng tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi giả mạo nhãn hiệu (Điều 12 Nghị định).