​​Phát hiện hai cơ sở kinh doanh hàng hóa tại Đồng Tháp không có nhãn phụ tiếng Việt


(CHG) Theo dõi trên nền tảng Facebook, ngày 12 tháng 7 năm 2023, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh quần áo T.H 2, địa chỉ: Khóm Tân Thuận, phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp do T.H.L làm chủ, phát hiện nhiều sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt.

Đội QLTT số 1 kiểm số lượng tang vật tạm giữ

Qua kiểm tra, Đội QLTT số 1 đã  phát hiện tại hộ kinh doanh nêu trên đang bày bán 65 sản phẩm quần áo các loại không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa và hộ kinh doanh cũng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ hoặc giấy tờ khác để chứng minh tính hợp pháp về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo quy định. Tổng trị giá tang vật trên  31 triệu đồng.
Toàn bộ tang vật Đội QLTT số 1 đã ra quyết định tạm giữ. Vụ việc đang hoàn tất hồ sơ xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm theo quy định.

Đội QLTT số 1 kiểm tra hàng hóa đang bày bán

Cùng ngày, vào lúc 13 giờ 00 phút, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh có địa chỉ tại ấp Tân Lộc A, xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp do bà B.T.K.A làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, tại cửa hàng đang bày bán 1.500 kg củ tỏi, trên bao bì là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, tổng trị giá tang vật vi phạm 33 triệu đồng.
Đội QLTT số 1 đã lập biên bản tạm giữ số lượng hàng hóa nêu trên và đang hoàn tất hồ sơ trình Cục trưởng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi buôn bán hàng hóa hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam với số tiền 12,5 triệu đồng, buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Trước đó, ngày 26/4, thông tin từ Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hà Đông, Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng tại số 1, khu nhà dân cư mới, tổ 5, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành phát hiện trên 250 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Zara… Tổng giá trị hàng hóa vi phạm khoảng 150 triệu đồng.
Chủ cơ sở thừa nhận, số hàng hóa trên được nhập trôi nổi trên thị trường nên hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; cơ sở tự dán giá vào sản phẩm và livestream quảng cáo là sản phẩm thời trang hàng hiệu để bán hàng online trên mạng xã hội.
Tại Đồng Tháp, ngày 16/3, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp đã đồng loạt ra quân kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh sản phẩm thời trang là giầy, dép, túi xách trên địa bàn TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Lực lượng chức năng phát hiện tại 4 cơ sở này đang bày bán 57 sản phẩm giầy, dép các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam như HERMES, NIKE và 20 sản phẩm giầy, dép khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 55 triệu đồng.
Thời điểm kiểm tra, chủ các cơ sở không xuất trình được Giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đội Quản lý thị trường số 2 đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để xác minh, xử lý theo thẩm quyền.
Cùng thời gian này, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Thiên Ân mua trôi nổi trên thị trường 3.204 sản phẩm quần, áo giả mạo nhãn hiệu ZARA và 700 đôi tất nam giả mạo nhãn hiệu NIKE để bán bán kiếm lời. Tuy nhiên, khi trưng bày hàng hóa để bán đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Nhãn phụ là loại nhãn được dán trên hàng hóa, bao bì sản phẩm, thể hiện thông tin cần thiết về hàng hóa bằng tiếng Việt và đính kèm theo nhãn nguyên gốc với tiếng nước ngoài trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Nhãn phụ có chức năng giúp người tiêu dùng nắm bắt được các thông tin cần thiết của sản phẩm.
Tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (14/4/2017) về nhãn hàng hóa nêu rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện, hoặc thể hiện chưa đầy đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có tem phụ và giữ nguyên nhãn gốc hàng hóa. Nội dung trên nhãn phụ ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.