Nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn sinh kế bền vững tại phá Hạc Hải, tỉnh Quảng Bình


TÓM TẮT:

Phá Hạc Hải nằm ở cuối nguồn sông Kiến Giang, nơi tiếp giáp 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình. Đây là một khu vực giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Tuy nhiên, Quảng Ninh, Lệ Thủy nằm trong vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt, thiên tai, chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững tại phá Hạc Hải, tỉnh Quảng Bình là một hướng đi mới mà ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình cần nghiên cứu và ứng dụng, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới. Nghiên cứu kết hợp 2 phương pháp chính là phương pháp điểm và khung sinh kế để đánh giá về thực trạng du lịch sinh thái gắn với sinh kế tại địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từ đó đưa ra các định hướng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế người dân theo định hướng phát triển bền vững tại khu vực phá Hạc Hải.

Từ khóa: phá Hạc Hải, sinh kế bền vững, du lịch sinh thái, tỉnh Quảng Bình.

1. Đặt vấn đề

Khu đầm phá Hạc Hải có sự đa dạng của một hệ sinh thái cửa sông. Hệ sinh thái cửa sông có các nhánh thuộc sông Kiến Giang. Đặc trưng là có khối nước lợ, có độ mặn thấp, có sinh vật phát triển và nguồn lợi thủy sản phong phú khi thủy triều lên. Ở hệ sinh thái vùng cửa sông, có một số bãi lầy cỏ ngập nước, giàu nguồn thức ăn nên vào mùa đông có chim di cư đến cư trú. Mặt khác, tại đầm phá Hạc Hải còn có hệ sinh thái rong, cỏ nước chiếm khoảng 15% diện tích vùng. Hệ sinh thái này có chức năng tự sản xuất, tạo ra năng suất sơ cấp cho hệ sinh thái, tạo nguồn thức ăn cho động vật, là nơi sinh đẻ của nhiều loài tôm, cá, động vật không xương sống. Hệ sinh thái đáy niêm là hệ sinh thái sát đáy của đầm phá, dưới đáy là cát bùn và bùn, độ sâu khoảng 2m, tùy vào từng chỗ của đầm phá. Một trong những hệ sinh thái nổi bật nhất của đầm phá Hạc Hải là hệ sinh thái nông nghiệp. Hệ sinh thái này phát triển bao quanh nhánh sông Kiến Giang, tạo nên một cảnh quan đặc sắc cho đầm phá vào mùa thu hoạch lúa. Các bãi triều, bãi lầy và các ô ruộng nông nghiệp được khoanh vùng để trồng lúa và trồng sen nuôi cá. Hệ sinh thái chịu tác động của các quá trình đầm phá như xâm nhập mặn, ngập lụt. Một số đối tượng sinh vật đầm phá như chim nước di trú vào đồng ruộng ven đầm phá.

Theo kết quả nghiên cứu trước khi có đập Mỹ Trung, các loài thực vật có hoa thủy sinh cùng với cỏ Năn (Eleocharis atropurpurea) ở vùng bờ ngập nước là những loài thực vật cho trữ lượng lớn, sản lượng khai thác có khi tới 3.000 tấn tươi/năm. Được xem là nguồn phân xanh chủ yếu cung cấp N,P,K và các chất khác cho cây trồng rất hữu hiệu. Hiện nay, sản lượng hàng năm chỉ đạt khoảng 200-300 tấn tươi/năm[3]. Thực vật thủy sinh có 10 loài. Lớp Ngọc lan (Magnoliopsida) có 4 loài Nymphaea tetragonaCeratophyllum demersum, C. submersum, Myriophyllum spicatum (Rong đuôi chồn). Lớp hoa Loa kèn (Liliopsida) có 6 loài Blyxa japonica, Hydrylla verticilata (Rong khía), Najas indica (Rong đốt), Potamogeton malaianus, P.octandrus Giang thảo), Valisneria spiralis (Rong mái chèo). Thực vật thủy sinh có hoa tập trung nhiều rộng khắp các vùng, tập trung dày ở độ sâu 0,5 -1,0 m, cho đến độ sâu 1,5 m. Sinh khối 2,5-4,5 kg/m2, khi tàn lụi chỉ còn 0,2 kg/m2 vào các tháng 11- tháng12[4]. Với một hệ sinh thái đặc sắc và đồ sộ chứa nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế người dân, tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào khám phá tiềm năng của phá Hạc Hải. Do đó, nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá về thực trạng du lịch sinh thái gắn với sinh kế tại địa bàn 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từ đó đưa ra các định hướng và giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế người dân theo định hướng phát triển bền vững tại khu vực phá Hạc Hải.

2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp thu thập thông tin: Thông tin thứ cấp được thu thập, tổng hợp từ hệ thống giáo trình, sách tham khảo, công trình nghiên cứu khoa học có liên quan đã được công bố. Các báo cáo kinh tế - xã hội của địa phương, niên giám thống kê hàng năm.

- Phương pháp chuyên gia: Từ cán bộ quản lý và người am hiểu địa phương; từ nhóm các đơn vị, tổ chức khai thác du lịch và khách du lịch tiềm năng; từ các mô hình phát triển du lịch sinh thái có đặc điểm tương đồng trong nước nhằm làm rõ thực trạng phát triển du lịch sinh thái cũng như các hoạt động sinh kế của người dân trên địa bàn phá Hạc Hải.

- Phương pháp ma trận điểm: Nghiên cứu sử dụng phương pháp ma trận điểm [4] đã được vận dụng để đánh giá mô hình sinh thái gắn với sinh kế bền vững [2]. Để xác định trọng số nhóm nghiên cứu đề nghị các chuyên gia xác định trọng số cho từng nhân tố (fi) theo mức độ quan trọng của từng tiêu chí sao cho tổng các trọng số này bằng 1. Trọng số chung (Fi) cho từng tiêu chí là trung bình cộng các trọng số các tiêu chí.

Chúng tôi tiến hành lấy mẫu lớn với 25 chuyên gia, thang điểm và các trọng số do các chuyên gia cho với thang điểm 10 cho mỗi tiêu chí và tổng trọng số (=1). Tổng điểm được xác định: α>1: khả năng khai thác rất tốt; 0,5<α<1 : khả năng khai thác khá; α<0,5: khả năng khai thác hạn chế.

3. Kết quả nghiên cứu

Trên cơ sở thực tiễn của địa bàn nghiên cứu, các nghiên cứu về hệ thống tiêu chí đánh giá trên địa bàn phá Hạc Hải, ý kiến của chuyên gia, chúng tôi đưa ra 8 tiêu chí chính đánh giá khả năng phát triển du lịch sinh thái ở địa bàn phá Hạc Hải và các tiêu chí phụ thuộc. Các giá trị văn hóa của người dân gắn liền với vùng tự nhiên, khoảng cách từ trung tâm thành phố Đồng Hới đến điểm du lịch không quá xa (dưới 20 km) có điều kiện tiếp cận và thuận lợi. Khoảng cách từ Khu du lịch PNKB - phá Hạc Hải dưới 100 km, kết hợp với Khu du lịch PNKB - làm tuor du lịch trọn gói. Trong các tiêu chí chính nhằm đánh giá hiệu quả triển khai các mô hình phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế bền vững tại địa bàn phá Hạc Hải, tiêu chí về tài nguyên du lịch được đánh giá ở mức độ tốt (>1). Theo đó, khu vực phá hạc hải có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài sinh sống tự nhiên như tôm, cua, cá bống, cá buôn, cá úc, cá leo béo ngọt, rạm gạch, ngoài ra hàng năm vào mùa xuân hè thu có nhiều loài chim về đây làm tổ tạo ra sự đặc sắc riêng của cảnh quan tự nhiên nơi này. (Bảng 1)

Bảng 1. Khả năng khai thác cho phát triển du lịch sinh thái tại phá Hạc Hải

Tiêu chí chính

Điểm

Trọng số

Điểm

Tiêu chí phụ thuộc

Điểm

Trọng số

Điểm

1. Tài nguyên du lịch

7.10

0.15

1,065

1. Có tính đa dạng sinh học cao

7.03

0.113

0,791

2. Cảnh quan tự nhiên có giá trị đặc sắc

6.64

0.146

0,969

2. Khả năng tiếp cận

7.05

0.16

1,128

1. Gần trung tâm du lịch lớn

7.05

0.124

0,874

2. Gần các điểm du lịch khác

6.55

0.113

0,740

3. Sản phẩm du lịch

3.68

0.11

0,4048

1. Du lịch chèo thuyền sông nước

6.32

0.127

0,803

2. Thưởng thức hải sản

3,22

0,132

0,425

4. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ

3.03

0.14

0,4242

Cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch

3,22

0,132

0,425

5. Nguồn nhân lực

6.65

0.09

0.59

1. Đào tạo nhân viên

6.83

0.115

0,785

2. Giáo dục cộng đồng

6.97

0.124

0,864

6. Chính sách, quản lý

6.73

0.11

0,4103

1. Sự hỗ trợ của Nhà nước

3,22

0,132

0,425

2. Tổ chức, quản lý hoạt động du lịch

3,22

0,132

0,425

7. Môi trường

7.03

0.13

0.91

1. Đánh giá tác động môi trường

6.86

0.136

0,931

2. Bảo vệ môi trường

7.07

0.127

0,898

8. Sức chứa

7.08

0.12

0.84

1. Quy mô linh hoạt đáp ứng mục tiêu

6.45

0.124

0,802

Đối với tiêu chí về khả năng tiếp cận cũng được các chuyên gia đánh giá cao ở mức tốt. Cụ thể, phá Hạc Hải cách trung tâm thị xã Đồng Hới chừng 20 km, bên cạnh Quốc lộ 1A. Có nhiều cách để tiếp cận đầm phá này. Trong đó cách tốt nhất để trải nghiệm, tham quan phá thì du khách nên đi thuyền dọc phá, cũng như thưởng thức ẩm thực và ngủ lại tại các lều trong phá. Ngoài ra, khu vực phá Hạc Hải cũng cách không xa các khu vui chơi du lịch nổi tiếng ở Quảng Bình như khu du lịch suối khoáng Bang Quảng Bình, khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, phà Long Đại,… Các tiêu chí về môi trường và sức chứa cũng được các chuyên gia đánh giá ở mức tốt. Theo đó, phá Hạc Hải có diện tích khoảng 12km2, độ sâu của phá từ 1,5-3m có sức chứa rất lớn nhiều không gian để du khách thưởng thức ngắm cảnh và khám phá nơi này. Tuy nhiên, xét về các tiêu chí như sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, chính sách, quản lý thì các chuyên gia đánh giá ở mức trung bình (<0.5). Điều này thể hiện rõ yếu kém của phá cần được cải thiện nhằm phát triển khu vực này phát triển thành khu vui chơi du lịch. Để đáp ứng được nhu cầu phong phú và đa dạng của du khách cần tăng cường các loài hải sản có chất lượng để phục vụ, cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ du lịch còn nghèo nàn. Hơn nữa, chính quyền địa phương chưa thật sự có những chính sách đột phá nhằm khai thác các tiềm năng sinh kế dựa trên phát triển du lịch sinh thái, bởi nơi đây có nguồn tài nguyên tuyệt vời được thiên nhiên ban tặng. Việc tập trung quá nhiều chính sách về phát triển lúa nước sẽ mang đến thu nhập thấp khiến cho khu vực này khó có thể đáp ứng được các tiêu chí nông thôn mới ngày càng được nâng cao.

Nội dung khu phân tích sinh kế bền vững nhằm cải thiện kết quả sinh kế của người dân trên địa bàn, hay nói cách khác khu sinh kế nhằm tăng thu nhập, giúp người dân sống cuộc sống hạnh phúc hơn, giảm rủi ro từ thiên tai và tác động xấu từ kinh tế vi mô và vĩ mô, đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trên địa bàn, sở hữu cơ sở vật chất một cách bền vững và hiệu quả. Những điều chỉnh về chính sách văn hóa luật pháp của Nhà nước cũng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tác động ngoại cảnh đến sinh kế người dân. Ví dụ khi chính quyền các xã có các quy định bàn giao diện tích trồng lúa về cho các hộ dân, tuy nhiên việc chưa phân định rõ ràng về cách khai thác diện tích mặt nước sẽ tạo ra nhiều xung đột không đáng kể đặc biệt tại xã Vạn Ninh.

Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và đánh bắt hải sản, tuy nhiên việc không được khai thác diện tích mặt nước là một thiệt thòi đáng kể cho người dân. Việc bàn giao diện tích mặt nước cho từng hộ dân khai thác cũng như hướng dẫn người dân cách nuôi trồng thủy hải sản kết hợp với trồng lúa sẽ là bài toán kinh tế chính quyền cần tính trong thời gian tới, nhằm khai thác tối đa nguồn lợi thủy sản, cũng như phục vụ cho du lịch khi nhà nước có kế hoạch khai thác du lịch. Các yếu tố về nguồn vốn, con người, xã hội, tự nhiên, cơ sở vật chất và tài chính là tương đối ở các xã được khảo sát. Tuy nhiên, trong số các hộ đã phỏng vấn, việc tiếp cận tài chính còn khó khăn, mặt khác người dân vẫn chưa biết phát triển các ý tưởng kinh doanh. Cụ thể, có tới 80% hộ dân không biết vay vốn làm gì, trong khi số còn lại cho rằng việc vay vốn khá khó khăn. Điều này cho thấy, việc tận dụng vốn của con người còn nhiều hạn chế, mặc dù nguồn tài nhiên thiên nhiên phong phú và sẵn có.

Để tránh giảm thiểu tác động của các yếu tố trên đối với đời sống người dân, các mô hình chuyển đổi sinh kế cần nhanh chóng ra đời như kết hợp các yếu tố sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái dựa trên tài nguyên có sẵn, tái cấu trúc cơ cấu kinh tế kiến trúc hạ tầng và thượng tầng tại khu vực phá hạc hải sao cho thuận thiên cũng như phù hợp với lòng dân. Thay đổi kiến trúc đập Mỹ Trung tăng cường nuôi trồng thủy hải sản kết hợp cây trồng ngắn ngày, tạo ra các giống lúa có khả năng chống chịu với nước lợ hỗ trợ cho việc khai thác thực phẩm phục vụ khách tham quan du lịch[1][5].

4. Kết luận và đề xuất

Mặc du phá Hạc Hải hầu như đáp ứng được hầu hết vác tiêu chí đánh giá khả năng phát triển du lịch sinh thái gắn với sinh kế người dân, trong đó có các tiêu chí như tài nguyên du lịch, khả năng tiếp cận, sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nguồn nhân lực, chính sách, quản lý và môi trường. Tuy nhiên, việc khai thác tài nguyên này còn rất hạn chế thiếu bàn tay của doanh nghiệp, cũng như các cơ quan chức năng. Cơ bản cơ cấu thu nhập của người dân sống tại các xã thuộc khu vực phá Hạc Hải từ năm 2019 đến năm 2021 gần như không thay đổi, tỷ trọng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi vẫn chiếm tỷ lệ cao, khiến cho thu nhập của người dân sống trên địa bàn khó có thể cải thiện và đuổi kịp các tiêu chí nông thôn mới được đặt ra ngày càng cao.

Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng - dịch vụ du lịch đề ra và phát triển các cơ sở kinh doanh phục vụ du lịch trên địa bàn chú trọng các cơ sở kinh doanh đã có sẵn, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Tiến hành quảng bá và xúc tiến du lịch gồm giải pháp marketing truyền miệng, giải pháp quảng bá theo phân khúc khách hàng, giải pháp tận dụng các kênh truyền thông quảng bá đã có sẵn, giải pháp liên kết với các công ty lữ hành, giải pháp thành lập website riêng về quảng bá du lịch. Giải pháp về liên kết giữa các bên liên quan như nâng cao nhận thức về vai trò phát triển du lịch cho cộng đồng địa phương, cử cán bộ bao gồm các cán bộ cấp dưới đến nghiên cứu và học tập về quản lý du lịch tại các địa điểm đã thành công. Bên cạnh đó, cần bảo tồn tài nguyên cụ thể như nâng cao ý thức cho cộng đồng ở khu vực đầm phá Hạc Hải, nhất là đối với những người dân đang là chủ sở hữu để khai thác du lịch sinh thái, về tầm quan trọng của công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn tài nguyên sẵn có phục vụ phát triển du lịch sinh thái thông qua các chương trình giáo dục trong nhà trường phổ thông, phổ biến Luật Di sản văn hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Tiếng Việt

  1. Trịnh Thị Hạnh (2021), “Phát triển bền vững dưới góc nhìn của khung sinh kế”, Hội nghị: Phát triển bền vững vùng, Viện Hàn lâm khoa học miền Trung, Đà Nẵng.
  2. Nguyễn Thị Phương Nga (2018), Đánh giá khả năng phát triển du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Bến En, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, 186(10), 77- 82.
  3. Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (2006). Hiện trạng thủy sinh vật ở phá Hạc Hải và vùng nước phụ cận sông Kiến Giang, tỉnh Quảng Bình. Báo cáo chuyên đề thuộc Đề tài “Nghiên cứu các yếu tố môi trường phục vụ quy hoạch phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở phá Hạc Hải, tỉnh Quảng Bình”. Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật. Hà Nội.
  4. Trung tâm Công nghệ xử lý Môi trường - Bộ Tư lệnh Hóa học (2005). Kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng môi trường đất, nước và trầm tích vùng phá Hạc Hải, tỉnh Quảng Bình. Báo cáo chuyên đề thuộc Đề tài “Nghiên cứu các yếu tố môi trường phục vụ quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản ở phá Hạc Hải, tỉnh Quảng Bình”. Hà Nội.
  5. Nguyễn Đăng Hiệp Phố (2016), “Tiếp cận lý thuyết khung sinh kế bền vững DFID trong nghiên cứu sinh kế của người Mạ ở vườn quốc gia Cát Tiên”, Tạp chí khoa học - Đại học Đồng Nai, số 2, 101-112.

A study on the ecotourism development potential associated with sustainable livelihood development in Hac Hai lagoon, Quang Binh province

Phan Nu Y Anh1

Nguyen Van Chung1

1Quang Binh University

Abstract:

Hac Hai lagoon is located at the end of the Kien Giang River, in the areas of Le Thuy and Quang Ninh districts, Quang Binh province. Hac Hai lagoon is rich in natural resources and it has great potential for tourism development, especially eco-tourism. However, Le Thuy and Quang Ninh districts frequently suffer from floods, natural disasters, and climate change. Therefore, it is neceessary for Quang Binh province to explore Hac Hai lagoon’s ecotourism development potential associated with sustainable livelihood development for local people. It could be a new development direction for Quang Binh province’s tourism industry. This study uses both the point method and the livelihood framework method to assess the current development of ecotourism associated with livelihoods in Quang Ninh and Le Thuy districts. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to develop eco-tourism products in association with the sustainable livelihood development of local people in Hac Hai lagoon.

Keywords: Hac Hai lagoon, sustainable livelihoods, eco-tourism, Quang Binh province.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG