Cao Bằng: Thu giữ 800kg chân giò lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ


(CHG) Lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng phát hiện số lượng lớn chân giò lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trong quá trình lưu thông, mang đi tiêu thụ.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Cao Bằng, ngày 22/9/2023, Đội QLTT số 5 thu giữ và lập biên bản xe ô tô biển kiểm soát 11C-0xx.xx đang vận chuyển 800kg chân giò lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo đó, Đội QLTT số 5, đã phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 11C-0xx.xx do ông N.V.Q, địa chỉ thường trú thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng là người điều khiển đang dừng đỗ tại ven đường. Qua áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Đội QLTT số 5 đã phát hiện xe trên đang chở 800kg chân giò lợn không có hóa đơn chứng từ , không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Đội QLTT số 5 kiểm tra ô tô biển kiểm soát 11C-0xx.xx

Sau quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông N.Q.V, chủ điều khiển phương tiện khai nhận: Ông mua của một số người không rõ tên và địa chỉ tại địa bàn tỉnh để mang lên biên giới bán lại kiếm lời.
Lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông N.V.Q về hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây hậu quả xấu cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử phạt theo các quy định của pháp luật.

Cụ thể, tại Khoản 13, Điều 3, Nghị định 98/2020 được sửa đổi bổ sung Nghị định 17/2022 quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.
Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật”