"Ly cocktail" có thể phá vỡ sự ổn định của kinh tế ASEAN


(CHG) Theo trang mạng asiatimes.com, sự kết hợp mạnh mẽ của các yếu tố, bao gồm đồng USD mạnh hơn, nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn và giá dầu tăng cao, đang tạo ra một loại “cocktail nguy hiểm” có nguy cơ phá vỡ sự ổn định của các nền kinh tế Đông Nam Á.
Trước hết, việc đồng USD mạnh khiến việc thanh toán nợ bằng USD của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở nên “tốn kém” hơn, làm tăng gánh nặng cho các quốc gia có khoản nợ nước ngoài đáng kể. Ngoài ra, điều này còn có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở Mỹ, gây áp lực giảm giá các đồng nội tệ ở chính các nước ASEAN. Kết quả là chi phí nhập khẩu sẽ tăng, góp phần gây thêm áp lực lạm phát.

"Ly cocktail" có thể phá vỡ sự ổn định của kinh tế ASEAN.
 
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại cũng có nghĩa là nhu cầu xuất khẩu của ASEAN giảm, đặc biệt là nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian. Điều này có tác động trực tiếp đến tăng trưởng và có thể dẫn đến giảm đầu tư nước ngoài bởi “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, chi phí năng lượng cao hơn góp phần gây ra lạm phát, có thể khiến các ngân hàng trung ương ASEAN phải tăng lãi suất để đối phó với giá cả tăng cao. Điều này sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và tác động đến tâm lý doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.
Tác động tổng hợp của đồng USD mạnh hơn và giá dầu cao hơn có thể làm trầm trọng thêm thâm hụt tài khoản vãng lai ở một số nước ASEAN. Những thâm hụt này sẽ khiến đồng nội tệ bị mất giá, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và trả nợ nước ngoài.
Sự mất giá của tiền tệ (do những yếu tố kể trên) cũng làm tăng chi phí trả nợ nước ngoài. Điều này có thể gây ra sự bất ổn tài chính lớn hơn, đặc biệt đối với các công ty vay vốn bằng ngoại tệ, có thể gặp khó khăn trong việc trả nợ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vào các công ty này cũng phải đối mặt với rủi ro vỡ nợ cao hơn.
Một vấn đề khác là sự kết hợp không ổn định giữa đồng USD mạnh, nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn và giá dầu cao hơn có thể gây ra sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán, dẫn đến tình trạng “tháo chạy vốn”. Các nhà đầu tư có thể giảm mức độ đầu tư vào cổ phiếu ASEAN, dẫn đến tâm lý thị trường giảm giá.
Ngoài ra, với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và biến động tiền tệ, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực ASEAN cũng có thể giảm tốc. Các nhà đầu tư quốc tế có thể chuyển hướng vốn của họ đến những nơi trú ẩn an toàn hơn hoặc các thị trường mới nổi hứa hẹn hơn, góp phần làm giảm dòng vốn nước ngoài đổ vào khu vực này.
Chính phủ các nước ASEAN sẽ cần thực hiện các chính sách kinh tế hợp lý và cải cách cơ cấu để giải quyết những thách thức này. Ví dụ, việc đa dạng hóa các đối tác thương mại và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chững lại. Ngoài ra, ASEAN cũng nên xem xét các chính sách tài chính và tiền tệ có mục tiêu để kích thích nhu cầu và đầu tư trong nước. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư toàn cầu nên theo dõi chặt chẽ các điều kiện kinh tế và tài chính ở các quốc gia ASEAN. Cuối cùng, đa dạng hóa danh mục đầu tư và kết hợp các chiến lược quản lý rủi ro với một cố vấn tài chính độc lập là yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của ASEAN trong nỗ lực thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng.
Giữa những thách thức kể trên, cơ hội cũng có thể đến với những nhà đầu tư biết đánh giá một cách thận trọng các rủi ro và kiểm soát được khủng hoảng khi có tình huống phát sinh.
 

Nguồn: Hải quan Online