Bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương, giúp nâng cao năng suất lao động


(CHG) Việc trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương giai đoạn 2024-2026. Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, vấn đề về cải cách tiền lương là một trong những điểm nhấn nhận được nhiều sự quan tâm.
Báo cáo mới đây của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nêu rõ về nguồn cải cách tiền lương.

Cải cách tiền lương được kỳ vọng giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh minh họa: H.Dịu
 
Theo đó, tại Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng của từng bộ, ngành, địa phương thời điểm 31/12/2021 như sau: số dư cải cách tiền lương ngân hàng trung ương (NSTW) là 54.517 tỷ đồng, trong đó, số dư của các bộ, ngành là 81,7 tỷ đồng; số dư cải cách tiền lương của các địa phương là 208.457 tỷ đồng.
Về nguồn cải cách chính sách tiền lương chưa sử dụng tại ngày 31/12/2022, báo cáo cho biết, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản đôn đốc các địa phương gửi báo cáo về Bộ Tài chính.
Đến nay, có 61/63 địa phương gửi báo cáo. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, căn cứ chế độ, chính sách quy định về sử dụng nguồn cải cách tiền lương, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền về số dư nguồn cải cách tiền lương của các địa phương đảm bảo thời hạn quy định.
Về quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương được quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, báo cáo của Chính phủ nêu, hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng khung NSNN 2024, kế hoạch 3 năm 2024-2026, trong đó có đề xuất về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
“Trên cơ sở đó sẽ dự kiến việc sử dụng nguồn này để thực hiện cải cách tiền lương”, báo cáo của Chính phủ cho hay.
Dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ NSNN trong giai đoạn 2024-2026 so với năm 2023 khoảng 499.000 tỷ đồng, trong đó, cải cách tiền lương khoảng 470.000 tỷ đồng.
Điều đáng mừng là theo báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024 của Chính phủ, bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024-2026.
Vì thế, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Tại Kỳ họp thứ 6 này, vấn đề về cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW sẽ là một trong những điểm nhấn để các đại biểu Quốc hội thảo luận tại nghị trường. Trong đó, từ 31/10 đến 2/11, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia, tình hình thực hiện NSNN 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW 2024... trong đó bao gồm nội dung về lộ trình cải cách tiền lương.
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội cùng cử tri và nhân dân. Đặc biệt, bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ NSNN cũng rất kỳ vọng do tiền lương hiện đang ít ỏi so với mặt bằng giá cả chung.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) đề nghị quan tâm có chính sách về tiền lương, phụ cấp thỏa đáng để cải thiện thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đội ngũ này đảm bảo đời sống, yên tâm công tác.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện cải cách chính sách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian qua, với việc quyết tâm "thắt lưng buộc bụng" để có được nguồn lực thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, cải cách tiền lương nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống của người hưởng lương và gia đình, điều quan trọng nữa là nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hơn nữa, cải cách tiền lương còn giúp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương được chuẩn bị đến năm 2026, nên sau năm 2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu không nỗ lực tăng thu và tiết kiệm thì rất khó khăn để tiếp tục thực hiện trả lương cho chính sách mới.
 

Nguồn: Hải quan Online