(CHG) Nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các vấn đề về gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sáng 10/01/2024, Quỹ Chống hàng giả, Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại, Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng gỉa và Gian lận thương mại đã tổ chức Toạ đàm “GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CHỐNG HÀNG GIẢ VÀ GIAN LẬN THƯƠNG MẠI DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024”.
Toạ đàm có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Lợi - chủ tịch Quỹ Chống hàng Giả, ông Phạm Lộc Ninh – Viện trưởng Viện kỹ thuật Chống hàng giả và gian lận thương mại, ông Nguyễn Khắc Ngân – Trưởng ban trị sự Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp, …
Hiện nay, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong thị trường nội địa hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ, theo đường dây, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm; hoạt động trên các nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính cũng ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm, đấu tranh, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc xuất hiện nhu cầu lớn về tiêu thụ hàng hoá của người dân. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thường sản xuất, vận chuyển một lượng lớn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để đưa vào thị trường tiêu thụ.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Viện trưởng Viện KT Chống hàng giả và GLTM phát biểu khai mạc Toạ đàm.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Viện trưởng Viện KT Chống hàng giả và GLTM nhấn mạnh: “ Đã từ lâu, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn nhận được sự quan của các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể.Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hoá và đưa ra các phương pháp phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời phát huy tối đa vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác phòng chống hàng giả, gian lận thương mại ”.
Tại buổi toạ đàm, ông Nguyễn Huy Cường - Nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 24 Cục QLTT Tp.Hà Nội cũng chia sẻ những khó khăn mà lực lượng QLTT cũng như các lực lượng chuyên ngành khác gặp phải trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, như: Các đối tượng vi phạm ngày càng có trình độ, chuyên nghiệp và sử dụng các thiết bị, công cụ hiện đại trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm; Các hành vi vi phạm hiện nay không chỉ xảy ra trong hoạt động kinh doanh truyền thống mà dịch chuyển nhiều sang môi trường kinh doanh thương mại điện tử. Trong khi đó, cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng còn chưa kịp thời và tồn tại nhiều bất cập,…
Ông Nguyễn Huy Cường - Nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 24 Cục QLTT Tp.Hà Nội.
Trước thực trạng trên, ông Cường đề xuất triển khai một số biện pháp như: Kiến nghị Chính phủ xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế liên thông, trao đổi dữ liệu cơ sở giữa các Bộ ngành; kịp thời sửa đổi các quy định quản lý trong thương mại điện tử; tạo điều kiện phát triển các sản phẩm, thương hiệu nội địa có chất lượng, uy tín có thể tiếp cận tới người tiêu dùng;…
Liên quan đến các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ kỹ năng đánh giá yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, bà Hà Nguyệt Thu – Chuyên viên chính Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ cũng khuyến cáo các doanh nghiệp: “Doanh nghiệp cần sử dụng nhãn hiệu đúng cách; tránh lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ; nắm vững trình tự, thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ”.
Bà Hà Nguyệt Thu – Chuyên viên chính Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là một trong những vấn đề không chỉ đau đầu các cơ quan Quản lý nhà nước mà còn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hệ lụy mà vấn nạn này để lại cho xã hội là không nhỏ, như: ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng; làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa; làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Tất cả đều gióng lên một hồi chuông báo động cho tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay.
Ông Nguyễn Thế Tiệp - Phó viện trưởng Viện kỹ thuật Chống hàng gỉa và Gian lận thương mại trình bày một số giải pháp ứng dụng công nghệ số trong công táctác phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại.
BTC, khách mời và đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống hàng gỉa và gian lận thương mại. Sự chung tay của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, doanh nghiệp, người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết để tăng cường chống hàng giả và gian lận thương mại dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.