Pháp luật của Vương quốc Anh về kiện tập thể và đề xuất cho Việt Nam


Bài nghiên cứu "Pháp luật của Vương quốc Anh về kiện tập thể và đề xuất cho Việt Nam" do Nguyễn Kim Phượng - Đinh Minh Tâm - Nguyễn Thục Anh (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Tóm tắt:

Kiện tập thể là một cơ chế pháp lý đặc biệt trong tố tụng dân sự đang được áp dụng phổ biến ở Vương quốc Anh. Bài viết nghiên cứu các quy định pháp luật của Anh về kiện tập thể, đồng thời đánh giá những ưu điểm và hạn chế của cơ chế kiện này. Từ đó, đưa ra một số nhận định và đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về kiện tập thể, như: Việt Nam nên lựa chọn mô hình kiện chọn tham gia; xây dựng quy định về vai trò đại diện trong vụ kiện tập thể; bổ sung các quy định về nghĩa vụ chứng minh trong vụ kiện tập thể, chi phí kiện tụng,...

Từ khóa: kiện tập thể, giải quyết tranh chấp, tố tụng dân sự, Vương quốc Anh.

1. Đặt vấn đề

Vương quốc Anh (VQA) là nước khởi nguồn áp dụng cơ chế kiện tập thể. Trong khi đó, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở pháp lý rõ ràng và đầy đủ về phương thức kiện này. Do đó, việc nghiên cứu, tham khảo kiện tập thể của VQA và đưa ra các đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam là cần thiết.

kiện tập thể

2. Quy định về kiện tập thể ở Anh

Kiện tập thể xuất xứ từ nước Anh, bắt nguồn từ truyền thống Anglo-Saxon1và Bắc Âu trong thời trung cổ vào thế kỷ XIII. Ở thời kỳ này, tòa án đã cho phép các nguyên đơn, thường là bị hại trong các vụ vi phạm các quy tắc của làng, thị trấn, giáo xứ,… thành từng nhóm lớn để kiện người vi phạm. Đến thế kỷ XVIII, do không được sự ủng hộ của Nghị viện Anh, các vụ kiện tập thể dần phân tán thành các vụ kiện cá nhân và đến năm 1850, các vụ kiện tập thể đã chấm dứt ở Anh. Vào những năm gần đây, kiện tập thể ở Anh mới phát triển trở lại.

Trong hệ thống pháp luật hiện đại của Anh, kiện tập thể xuất hiện trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) 1981 và Hướng dẫn thi hành, Luật Cạnh tranh 1998, Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng năm 2015. kiện tập thể cũng được quy định trong Chỉ thị số 2014/104/EU của Ủy ban châu Âu về tiến hành tố tụng đòi bồi thường tập thể đối với các hành vi vi phạm luật cạnh tranh tại các nước thành viên. Trong pháp luật Anh, khởi kiện tập thể là “vụ kiện dân sự trong đó, một nhóm các nguyên đơn chia sẻ một số lợi ích chung, đưa ra một yêu cầu bồi thường đối với một hoặc nhiều bị đơn”2.

Một định nghĩa chi tiết hơn được đưa ra bởi Rachael Mulheron - Giáo sư về Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và Tư pháp Dân sự tại Khoa Luật, Đại học Queen Mary ở Luân Đôn đã định nghĩa kiện tập thể là: “một thủ tục pháp lý cho phép các yêu cầu bồi thường (hoặc một phần yêu cầu bồi thường) của một số người chống lại cùng một bị cáo được xác định trong một vụ kiện3.

Như vậy, có thể hiểu: “Kiện tập thể là một thủ tục pháp lý cho phép một nhóm người có cùng vấn đề pháp lý giống nhau có thể khởi kiện cùng một lúc để giải quyết trong cùng một vụ án”.

2.1. Về hình thức thực hiện kiện tập thể

Hầu hết, hình thức kiện tập thể phổ biến có sẵn ở Anh đều hoạt động trên cơ sở “chọn tham gia” (Opt-in action), nghĩa là để tham gia, mọi nguyên đơn phải thực hiện các bước chủ động, chẳng hạn như tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác mang theo yêu cầu thay mặt họ4.

Quy tắc tố tụng dân sự (CPR - ​​The English Civil Procedure Rules) của VQA quy định hai cơ chế chính thức để có thể tiến hành các hành động tập thể, cụ thể như sau:

Cơ chế 1: Cơ chế chọn tham gia (Otp-in action):

(1) Multiple claimants suing the same defendant(s) using the same claim form (Nhiều nguyên đơn khởi kiện cùng một bị đơn bằng cách sử dụng cùng một mẫu đơn yêu cầu bồi thường): Cơ chế này được hiểu là trong đó nhiều người yêu cầu bồi thường được nêu tên trên cùng một mẫu đơn yêu cầu bồi thường, với điều kiện là các yêu cầu bồi thường “có thể được giải quyết một cách thuận tiện trong cùng một thủ tục tố tụng”5. Nếu tòa án cho rằng điều kiện này không được đáp ứng thì có thể ra lệnh xét xử một số khiếu nại hoặc quản lý vụ việc riêng biệt.

(2) Group Litigation Order - GLO (Lệnh tố tụng nhóm): Tòa án có thẩm quyền ban hành “Lệnh tố tụng nhóm” để quy định việc quản lý vụ việc đối với “các khiếu nại làm phát sinh các vấn đề thực tế, hoặc luật pháp chung, hoặc liên quan với nhau”. Tòa án cũng có thể sử dụng quyền quản lý vụ việc của mình để hợp nhất các thủ tục tố tụng do các nguyên đơn khác nhau đưa ra hoặc quản lý chúng cùng nhau.

Cơ chế 2: Cơ chế từ chối/kiện chọn không tham gia (Otp-out action):

(1) Representative actions (Các hành động tập thể): Trong trường hợp các nguyên đơn khác nhau có “cùng lợi ích đối với yêu cầu bồi thường”6, yêu cầu bồi thường có thể được bắt đầu hoặc tiếp tục bởi một hoặc nhiều nguyên đơn với tư cách là đại diện của những nguyên đơn khác có cùng lợi ích. Trừ khi tòa án có lệnh khác, bất kỳ phán quyết hoặc lệnh nào được đưa ra trong một vụ kiện tập thể đều có tính ràng buộc đối với tất cả những người được đại diện, ngay cả khi họ không phải là một bên tham gia tố tụng. Thủ tục yêu cầu bồi thường của người đại diện được chú trọng trong vụ Lloyd kiện Google7.

(2) Collective Proceedings Order - CPO (Lệnh tố tụng tập thể): Yêu cầu bồi thường được đưa ra thay mặt cho một nhóm người nhất định mà không cần xác định được tất cả những người khiếu nại riêng lẻ hoặc nhận được sự cho phép của họ. Thẩm quyền tài phán trong cơ chế từ chối thuộc về Tòa phúc thẩm cạnh tranh (CAT). Người đại diện muốn theo cơ chế này phải nộp đơn xin Lệnh tố tụng tập thể (CPO).

2.2. Về xác định thiệt hại trong các vụ kiện tập thể

Thiệt hại thường được tính trên cơ sở bồi thường trong tố tụng ở Anh8. Như: Trong cơ chế GLO, Tòa án sẽ quyết định hình thức bảo vệ pháp lý đầy đủ nhất trong số những hình thức mà nguyên đơn mong muốn được xét xử trong GLO9. Đối với CPO, CAT được phép đưa ra phán quyết tổng hợp về các khoản bồi thường thiệt hại, cho phép tính toán thiệt hại trên cơ sở toàn nhóm với điều kiện việc phân phối phải “công bằng và hợp lý”.

2.3. Về phương thức giải quyết các vụ kiện tập thể

Thứ nhất, mỗi bên tham gia tố tụng có thể nộp đơn đề nghị áp dụng thủ tục kiện tập thể. Thứ hai, Tòa án sẽ xem xét mẫu đơn yêu cầu bồi thường dựa trên các tiêu chí chứng nhận nhất định. Thứ ba, nếu vụ việc thỏa mãn điều kiện luật định, Tòa án có thẩm quyền ban hành các lệnh tố tụng tập thể và yêu cầu các bên công khai sự tồn tại của các lệnh tố tụng đó. Thứ tư, Tòa án sẽ giải quyết vụ kiện tập thể và tìm ra hướng xử lý công bằng, hợp lý cho các thành viên tập thể.

2.4. Về nghĩa vụ chứng minh trong các vụ kiện tập thể

Cơ chế kiện chọn tham gia ở Anh không có quy định về nghĩa vụ chứng minh của các bên trong kiện tập thể. Còn với cơ chế kiện chọn không tham gia, Tòa án có quyền yêu cầu các thành viên của tập thể cung cấp các bằng chứng liên quan để chứng minh10.

2.5. Về chi phí trong các vụ kiện tập thể

Nguyên tắc chung về chi phí tố tụng được áp dụng tại VQA là “người thua kiện phải trả tiền” (the loser-pays principle)11. Trong cơ chế kiện chọn tham gia: tất cả các bên yêu cầu đều phải chịu rủi ro chi phí bất lợi trực tiếp. Còn với cơ chế kiện chọn không tham gia: rủi ro chi phí bất lợi chủ yếu do người đại diện gánh chịu. Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc tài trợ cho các thủ tục tố tụng của bên thứ ba được cho phép ở VQA.

3. Ưu điểm và hạn chế của kiện tập thể ở Anh

3.1. Ưu điểm của kiện tập thể ở Anh

Thứ nhất, kiện tập thể sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí của các đồng nguyên đơn, bởi lẽ họ không phải tự mình thực hiện hoạt động tố tụng một cách riêng lẻ. Như trong việc chứng minh, người bị thiệt hại sẽ nhận được sự hỗ trợ, tham gia chuyên nghiệp, tích cực của Văn phòng Luật sư, Công ty Luật đại diện…

Thứ hai, kiện tập thể giúp giảm bớt gánh nặng trong việc tiến hành các thủ tục tố tụng, tiết kiệm tài chính và thời gian cho Toà án. Cụ thể, kiện tập thể sẽ giúp giảm bớt lượng đơn kiện, tránh việc phải giải quyết các vụ việc giống nhau… đồng thời cũng hỗ trợ tiết kiệm nhân lực, giảm thiểu chi phí xác định thiệt hại và chi phí xã hội khác.

Thứ ba, kiện tập thể sẽ tạo ra sự ủng hộ rộng rãi trong dư luận xã hội (DLXH), khiến các cơ quan, tổ chức xã hội có trách nhiệm hỗ trợ những người khởi kiện như Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Hơn nữa, DLXH còn có tác dụng gây sức ép khiến bị đơn có ý thức trách nhiệm thực hiện bồi thường.

3.2. Hạn chế của kiện tập thể ở Anh

Thứ nhất, kiện tập thể có thể chưa phù hợp đối với thiệt hại của một số cá nhân. Bởi kiện tập thể có thể dẫn đến khả năng một số thành viên tập thể không được đền bù xứng đáng khi tổng số tiền bồi thường thiệt hại chia đều vì họ có mức độ thiệt hại khác nhau.

Thứ hai, tài trợ cho các hoạt động tập thể có thể là một thách thức. Pháp luật Anh cho phép các nhà tài trợ bên ngoài tài trợ vụ kiện tập thể để đổi lấy một phần số tiền thu được nếu vụ việc thành công, nhưng nó có thể không sẵn có cho tất cả các vụ kiện tập thể. 

Thứ ba, lạm dụng kiện tập thể có khả năng gây ra tổn thất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Bởi vì nhiều cá nhân lạm dụng kiện tập thể với những mục đích như hạ thấp uy tín bị đơn. Những tổn thất mà các tập đoàn, công ty phải gánh chịu gây ra sự đình trệ trong sự phát triển kinh tế của VQA.

4. Một số nhận định và đề xuất cho Việt Nam về kiện tập thể

Nhu cầu giải quyết tranh chấp tập thể của Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Điển hình là các tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Vụ kiện Apple Inc. làm chậm iphone ở Việt Nam...) và bồi thường do ô nhiễm môi trường của các pháp nhân thương mại (vụ nhiễm độc nước sông Đà…). Với việc áp dụng cơ chế khởi kiện riêng lẻ như hiện nay, Tòa án sẽ phải thực hiện thủ tục lặp lại từ giai đoạn thụ lý đến giải quyết vụ án, điều này sẽ gây bất tiện và khó giải quyết vụ việc.

BLTTDS 2015 đã có quy định cho phép nhiều người cùng bị xâm phạm quyền và lợi ích có thể cùng tham gia vụ kiện bằng cách nhập vụ án (Điều 42). Tuy nhiên, việc nhập vụ án lại hoàn toàn do ý chí của Tòa án. Việc nhập vụ án cũng không có cơ chế thông báo để giúp cho cá nhân khác tham gia với tư cách là nguyên đơn. Do đó, Tòa án thường có xu hướng trì hoãn và lúng túng trong việc thụ lý, giải quyết; khiến các cá nhân không được đòi quyền lợi một cách đầy đủ và trọn vẹn. Điều này sẽ giảm khả năng tiếp cận công lý của nhiều người dân Việt Nam.

Từ đó, Việt Nam có thể xây dựng các quy định pháp luật về kiện tập thể thông qua những định hướng như sau:

Thứ nhất, Việt Nam nên lựa chọn mô hình kiện chọn tham gia. Mô hình này là một lựa chọn phù hợp trong điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội nước ta hiện nay. Với cơ chế này, BLTTDS Việt Nam cần bổ sung quy định: về việc xác nhận tham gia vụ kiện tập thể, mỗi nguyên đơn phải chủ động xác nhận sự tham gia của mình vào tập thể bằng cách gửi đơn tới Tòa, nếu không làm đơn thì họ sẽ phải khởi kiện với tư cách cá nhân. Về thông báo vụ kiện tập thể, cần bổ sung phương thức thông báo vụ kiện tập thể của Tòa án như đăng tải trên các trang web uy tín…

Thứ hai, quy định về vấn đề đại diện trong vụ kiện tập thể. Cơ chế đại diện trong kiện tập thể phải tuân theo hai cơ chế của Việt Nam12. Do đó, cần xây dựng quy định về vai trò đại diện trong vụ kiện tập thể theo cơ chế ủy quyền theo hướng: áp dụng các quy định chung về đại diện ủy quyền và bổ sung thêm một số quy định cụ thể phù hợp với đặc điểm với vụ kiện tập thể. Trong một vụ kiện tập thể, nguyên đơn chỉ cần nộp một tờ giấy/hợp đồng uỷ quyền trong đó chứa đựng tất cả chữ ký của những người bị thiệt hại tương tự.

Thứ ba, bổ sung quy định về nghĩa vụ chứng minh trong vụ kiện tập thể. Cần bổ sung quy định: trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, một người mới cũng có thể tham gia với tư cách là nguyên đơn nếu chứng minh được mình cũng là đối tượng chịu thiệt hại. Đồng thời, bổ sung quy định về chứng cứ chuyên môn (ý kiến, phương án giải quyết của chuyên gia) để Tòa án có thể nghiên cứu chuyên sâu về vụ kiện tập thể.

Thứ tư, bổ sung quy định về chi phí kiện tụng. Khi tham gia một vụ kiện tập thể, các bên tham gia phải đối mặt với nhiều loại chi phí như: án phí, chi phí thuê luật sư… Do đó, cần có những quy định để khuyến khích bên thứ ba như các luật sư, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tạm ứng chi phí. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực tài chính.

5. Kết luận

BLTTDS Việt Nam năm 2015 cần có sự bổ sung rõ ràng những quy định về cơ chế kiện tập thể. Sự bổ sung này cần phải nghiên cứu, đánh giá một cách kỹ càng kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là Anh. Qua đó, đảm bảo lựa chọn được những yếu tố tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam.

Tài liệu trích dẫn và tham khảo:

1   Anglo-Saxon (Anh-Sắc) là một dân tộc sống tại đảo Anh từ thế kỷ 5 CN

2   Frances Murphy, Omar Shah, and R. Farningham, Class/collective actions in the UK (England and Wales): Overview, practical Law

3   The Class Action in Common Law Legal Systems: A Comparative Perspective, Hart, 2004

4   Alan Davis (2022), Class actions in England and Wales

5   CPR Mục 7.3

6   CPR Mục 19.6

7   Richard Lloyd, cựu giám đốc điều hành của tạp chí Which?, đã kiện Google vì theo dõi người dùng iPhone trên “Safari” ở Anh trong khoảng thời gian từ tháng 6/2011 đến tháng 2/2012

8   Kenny Henderson và Neal Gibson (2022), Class actions in England and Wales

9   Quy chế xét xử phúc thẩm cạnh tranh (CAT) 2015 Điều 93

10  CAT 2015 Điều 60

11  Đây là nguyên tắc pháp lý phổ biến ở châu Âu

12  Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hai cơ chế đại diện là: đại diện theo pháp luật và theo ủy quyền

CLASS ACTIONS IN THE UNITED KINGDOM AND PROPOSALS FOR VIETNAM

Nguyen Kim Phuong1

Dinh Minh Tam1

Nguyen Thuc Anh1

1Student, Hanoi Law University

Abstract:

Class action lawsuits are a special legal mechanism in civil litigation that is commonly applied in the United Kingdom (UK). This paper examined the UK’s legal regulations on class action lawsuits and evaluated the advantages and limitations of this lawsuit mechanism. Based on the paper’s findings, some comments and suggestions were made to improve Vietnam's regulations on collective lawsuits. For example, Vietnam should choose an opt-in model, develop regulations on the role of representatives in class action lawsuits, supplement regulations on burden of proof in class action lawsuits and litigation costs, etc.

Keywords: class action lawsuit, dispute resolution, civil litigation, the United Kingdom.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 2 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương