Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất


Xác định được tầm quan trọng của khoa học công nghệ (KHCN), thời gian qua, các đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng phần mềm, công nghệ, kỹ thuật vào hoạt động, qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển bền vững.

Nhân viên trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên) theo dõi đơn hàng trên phần mềm quản lý trang trại farmgo.

Với 5ha chăn nuôi trên 5 vạn con gà đẻ trứng, trang trại gà Tân An (TX Quảng Yên) trung bình cung cấp ra thị trường trên 40.000 quả trứng mỗi ngày. Để kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, bán hàng cho tới công nợ, từ tháng 10/2023, trang trại đã áp dụng phần mềm quản lý trang trại farmgo. Phần mềm quản lý trang trại farmgo được xây dựng theo tiêu chuẩn của những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực chăn nuôi và các biểu mẫu của các tiêu chuẩn thực sản xuất nông nghiệp như VietGAP, LifSap, GlobalGAP. Đồng thời, thiết kế 3 phần gồm sản xuất, tài chính - kế toán, chuỗi cung ứng - bán hàng - marketing đã thay thế hoàn toàn các bước thủ công trước đây. Phần mềm dễ dàng sử dụng, giải phóng thời gian, giảm rủi ro trong chăn nuôi; chủ trang trại có thể quản lý từ xa bằng điện thoại hoặc máy tính.

Chị Phạm Thị Nguyệt Dung, chủ trang trại trứng gà Tân An, phường Tân An (TX Quảng Yên) cho biết: Thông qua phần mềm quản lý trang trại farmgo, đơn vị theo dõi hoạt động sản xuất của từng nhà gà, dãy nhà và từng ngày cụ thể. Trên cơ sở, đơn vị dễ dàng tính toán được năng suất, nhân công, chi phí từng ngày để điều chỉnh phù hợp. Từ đó, hoạch toán được chi phí để điều chỉnh giá thành phù hợp đảm bảo tốt nhất cho khách hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh, tối ưu hóa sản xuất.

Anh Vũ Đức Tuấn, Giám đốc Công ty THNH Công nghệ HIPOTECH - Đơn vị xây dựng, cung ứng phần mềm quản lý trang trại farmgo, cho biết: Phần mềm quản lý trang trại farmgo được xây dựng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp từ năm 2022. Đến nay, đã có 875 trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trong và ngoài tỉnh áp dụng hiệu quả phần mềm này. Thời gian tới, Công ty nghiên cứu phát triển nhiều tính năng hơn nữa cho phần mềm nhằm không chỉ đảm bảo tối ưu cho người sử dụng, mà còn góp phần chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp.

Dự án nuôi biển đa canh, đa giá trị ứng dụng công nghệ hiện đại của Công ty CP STP Aqua Quảng Ninh tại đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn.

Từ năm 2022, Công ty CP STP Aqua Quảng Ninh đã phối hợp triển khai dự án nuôi biển đa canh, đa giá trị ứng dụng công nghệ hiện đại tại đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn) với diện tích 5ha. Theo đó, toàn bộ hệ thống nhà bè, lồng, phao đều được sử dụng toàn bộ vật liệu nổi bằng nhựa HDPE nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hạ tầng nuôi biển, đảm bảo phát triển bền vững. Bên cạnh việc bố trí nuôi trồng xen, đa loài, theo từng độ tuổi của vật nuôi, Công ty đã ứng dụng công nghệ AI phân tích sự bắt mồi của thủy sản cùng hạ tầng đồng bộ để thực hiện cho ăn tự động đảm bảo lượng thức ăn phù hợp, hạn chế tối đa thức ăn dư thừa, tác động đến môi trường biển. Cùng với đó, Công ty đã triển khai nuôi trồng thử nghiệm rong sụn trên diện tích canh tác nhằm tăng giá trị nuôi trồng. Đây là nguồn nguyên liệu để chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược liệu…, mỗi năm có thể nuôi trồng 3 vụ rong sụn (trừ 4 tháng mùa đông), sản lượng đạt 70-100 tấn/ha/năm. Với mức giá trên thị trường hiện nay là 2.500-3.000 đồng/kg tươi, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 30-50% doanh thu. Mặt khác, các đối tượng thủy sản được nuôi xen canh còn hạn chế lây nhiễm bệnh, tương trợ lẫn nhau nhằm bảo vệ môi trường biển và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trên cơ sở thành công của mô hình ứng dụng công nghệ vào nuôi thủy sản đa canh tại đảo Phất Cờ, hiện Công ty đang tiếp tục mở rộng diện tích tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Cẩm Phả, Hạ Long... để gia tăng giá trị nuôi trồng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, như: Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền, sử dụng xỉ đáy và tro bay nhà máy nhiệt điện để sản xuất gạch không nung; Công ty CP Ngọc trai Hạ Long áp dụng kỹ thuật nuôi cấy tiên tiến từ Nhật Bản; Công ty SPAN đã nghiên cứu và triển khai công nghệ nhà lắp ghép bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn... Qua đó, không chỉ nâng cao năng suất, gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi thế cạnh tranh, mà còn từng bước “làm chủ” được chính công nghệ.