Nhận diện hoạt động lừa đảo bằng phương thức “tình – tiền” trên mạng xã hội


(CHG) Trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội đã mang lại nhiều lợi ích lớn lao, là phương tiện để kết nối con người, rút ngắn không gian, thời gian và thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác trên toàn thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì việc sử dụng mạng xã hội cũng gây ra không ít nguy hại cho người dùng; trong đó có những nguy cơ tiềm ẩn, rình rập từ những kẻ đi săn chuyên nghiệp ẩn mình trên mạng xã hội để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; một trong các phương thức phổ biến mà đối tượng phạm tội sử dụng trong nhiều năm trở lại đây, đã lừa đảo chiếm đoạt rất nhiều tiền của nhiều người trong thời gian qua là phương thức “tình – tiền”.
Cảnh giác các đối tượng sử dụng mạng xã hội lừa đảo bằng phương thức “tình – tiền”
Cảnh giác các đối tượng sử dụng mạng xã hội lừa đảo bằng phương thức “tình – tiền”
Thông qua các ứng dụng như Tinder, Facebook, Hangouts, Whatsapp.... một đối tượng đóng vai là người đang sinh sống ở nước ngoài có tố chất sống tình cảm, lãng mạn, ân cần, đẹp trai, có sức lôi quấn, đáng tin cậy như Việt kiều, quân nhân Mỹ, phi công, bác sỹ, giảng viên đại học... để kết bạn, nhắn tin với các chủ tài khoản mạng xã hội người Việt Nam. Qua quá trình nhắn tin nhiều ngày, sau khi đã chinh phục, chiếm được lòng tin, tình cảm của đối phương, đối tượng trong vai giả này sẽ tiến tới bước đề nghị tặng hoặc gửi USD, vàng với giá trị rất lớn. Để tăng sự tin tưởng, chúng thường gửi cho nạn nhân các bức ảnh chụp vàng, USD với số lượng lớn được đóng trong các thùng quà gửi qua đường hàng không; đồng thời không quên dặn đối phương sẽ có nhân viên của bên giao hàng liên lạc để tư vấn và thu phí vận chuyển. Ngay sau đó, một đối tượng khác là người Việt Nam trong vai nhân viên công ty bên giao hàng sẽ liên lạc với nạn nhân yêu cầu nộp một khoản nhất định tiền “phí” vận chuyển. Sau khi nạn nhân đã chuyển tiền “phí”, chúng tiếp tục đưa nạn nhân vào các hoàn cảnh khác nhau như bị Hải quan giữ hàng phải nộp tiền phạt, các loại tiền “phí” phát sinh khác...để yêu cầu nạn nhân tiếp tục chuyển tiền. Trong quá trình này, đối tượng trong vai người tình trên mạng cũng liên tục nhắn tin vẽ ra các viễn cảnh tương lai để động viên nạn nhân nộp tiền. Sau thời gian dài liên tục bị lặp lại các yêu cầu nộp tiền với các lý do khác nhau để được nhận gói gửi, nạn nhân mới nghi ngờ mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điển hình với phương thức “tình – tiền” này là vụ án Phòng Cảnh sát hình sự đã tiếp nhận, điều tra vào tháng 12 năm 2020; nội dung diễn biến như sau: Khoảng đầu tháng 4 năm 2020, tài khoản Facebook “Glory” và “Derick Albert” (do cùng một người sử dụng) làm quen kết bạn với tài khoản Facebook “Kl Phạm” của chị Lan (tên tài khoản và tên nạn nhân đã được thay đổi). Người này giới thiệu tên là Jun Joo, quốc tịch Mỹ, sinh ra ở Hàn Quốc, hiện làm bác sỹ chỉnh hình của quân đội, sinh sống tại Mỹ, có một con gái, vợ đã chết. Người này hướng dẫn chị Lan tải và lập tài khoản Kakao Talk để nói chuyện. Chị Lan đồng ý và lập tài khoản Kakao Talk với tên “Kl Phạm”, kết bạn với tài khoản “나는 내 딸을 사랑해” của Jun Joo. Quá trình nhắn tin nói chuyện liên tục từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, Jun Joo nói có tình cảm với chị Lan, muốn về Vệt Nam sống cùng chị Lan sau khi nghỉ hưu, trước đó muốn chuyển tiền và đồ đạc về Việt Nam nhờ chị Lan giữ hộ.

Đến khoảng đầu tháng 6 năm 2020, Jun Joo nói với chị Lan đã chuyển tiền và hồ sơ chứng nhận tiền với số tiền 2 triệu đô la Mỹ cùng nhiều đồ đạc về Việt Nam qua dịch vụ chuyển phát nhanh bằng máy bay. Jun Joo xin địa chỉ email của chị Lan để bên dịch vụ chuyển phát nhanh liên hệ nhận hàng. Tin lời đối tượng, chị Lan gửi địa chỉ email của mình cho cho Jun Joo. Sau đó địa chỉ email của chị Lan nhận được email từ địa chỉ reliablelinkcourierservice@gmail.com thông báo có hàng do Jun Joo chuyển về, báo chị Lan muốn nhận hàng thì phải nộp nhiều khoản phí, thuế khác nhau. Do tin lời đối tượng, liên tục từ ngày 11/6/2020 đến 06/10/2020, chị Lan đã 12 lần chuyển tiền đến các tài khoản mà đối tượng cung cấp, với tổng số tiền 805 triệu đồng. Sau 12 lần chuyển tiền, đối tượng đóng giả nhân viên công ty chuyển hàng liên tục đưa ra các lý do khác nhau để yêu cầu chị Lan chuyển thêm tiền. Trong thời gian này, đối tượng đóng vai người tình tên Jun Joo hằng ngày vẫn liên tục động viên, tán tỉnh, cầu xin chị Lan chuyển tiền để không bị mất gói hàng đã gửi. Kéo dài liên tục tình trạng trên tới cuối tháng 12 năm 2020, chị Lan mới nghi ngờ mình bị lừa đảo và đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh trình báo.

Thực tế từ vụ án nêu trên và rất nhiều vụ tương tự cho thấy nạn nhân đã phát sinh tình cảm và hoàn toàn tin tưởng vào lời lẽ của đối tượng đóng vai gửi quà; cộng với giá trị của gói gửi mà chúng vẽ ra thường rất lớn nên nạn nhân thường không dễ dàng nhận ra ngay mình bị lừa dù đã phải nộp tiền nhiều lần.

Phòng Cảnh sát hình sự khuyến cáo quần chúng nhân dân nên thận trọng, cảnh giác, không nhẹ dạ cả tin khi kết bạn, giao lưu trong môi trường mạng xã hội; tránh biến mình thành nạn nhân của những kẻ xấu ẩn mình trong đó.

Nguồn: CA Quảng Ninh