Vĩnh long: Kiểm tra xử lý 201 vụ, nộp ngân sách gần 2,2 tỷ đồng


(CHG) Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường quản lý địa bàn, xác định rõ các địa bàn trọng điểm, triển khai kiểm tra, kiểm soát đạt được nhiều kết quả tích cực, đã xử lý 201 vụ, nộp ngân sách gần 2,2 tỷ đồng.

Các hành vi vi phạm chủ yếu mà lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Vĩnh Long kiểm tra phát hiện như: Buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về nhãn, hàng hóa giả về giá trị sử dụng, công dụng, hàng hóa không có dấu hợp quy, không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược, bán thuốc không có giấy đăng ký lưu hành, bán thuốc bảo vệ thực vật cấm kinh doanh, cấm sử dụng, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra tại cơ sở kinh doanh

Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2024, QLTT Vĩnh Long kiểm tra 311 vụ, phát hiện vi phạm và đã xử lý 201 vụ với số tiền xử phạt 1.809.868.500 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 3.469.373.300 đồng và 2.546 bao thuốc lá điếu nhập lậu (1bao=20 điếu). Thu nộp ngân sách 2.192.920.500 đồng (phạt hành chính 2.079.920.500 đồng và bán hàng tịch thu 113.000.000 đồng). Chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự 03 vụ (01 vụ tái phạm buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu đã khởi tố và 02 vụ buôn bán phân bón giả về giá trị sử dụng, công dụng đang xem xét).
Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, các Đội QLTT thực hiện lồng ghép công tác tuyên truyền, nhắc nhở cho 307 cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán đúng theo giá niêm yết, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá vượt mức quy định, không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Trong thời gian tới, Cục QLTT Vĩnh Long tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, mặt hàng vật tư nông nghiệp. Chú trọng lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh, các mặt hàng cấm kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Hoạt động kinh doanh mua bán online thông qua các ứng dụng trên nền tảng di động, website bán hàng, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter… phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm, xử lý theo quy định.