Cần có biện pháp chặn đà tăng giá các mặt hàng thiết yếu sau bão lũ!


(CHG) Có thể nói, sau đợt bão lũ vừa qua ở nhiều tỉnh phía Bắc đã bị thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tình hình phục hồi sản xuất, chăn nuôi đang được triển khai tích cực và đang có hiệu quả nhờ có sự giúp sức, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi lớn, kịp thời và chung tay giúp đỡ, ủng hộ của đồng bào cả nước.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, nhất là dịp Tết nguyên đán 2025 tới đây giá cả các mặt hàng, sản phẩm lương thực, thực phẩm được dự báo sẽ tăng giá mạnh do kỳ thu hoạch vừa qua đã bị bão lũ gây thiệt hại. Bên cạnh đó, thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhà cửa của người dân cũng rất lớn do bão lũ, sạt lỡ gây ra nên vật liệu xây dựng cũng sẽ rất cần, có thể tăng giá cục bộ, đột biến ở một số nơi. Vì vậy, ngoài việc tập trung mọi nguồn lực, huy động các điều kiện cần thiết để bắt tay, triển khai ngay vào sản xuất khi nước rút, ưu tiên những cây trồng, vật nuôi ngắn ngày có thể sớm cho thu hoạch hay khôi phục nhanh các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thì phải có biện pháp bình ổn, điều hành giá cả hiệu quả.

Tăng cường kiểm soát thị trường mùa mưa bão (Ảnh: Chinhphu.vn)

Có thể nói, việc bình ổn, hạn chế tăng giá, lạm phát là rất quan trọng, cấp bách. Bởi khi hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng cao sẽ gây khó khăn thêm cho người dân, nhất là người dân vùng bị thiên tai, bão lũ vừa qua. Do đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả để bình ổn, kiềm chế tăng giá như hỗ trợ về chi phí vận chuyển, cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng... đến các vùng bị bão lũ, sạt lỡ nghiêm trọng vừa qua như hỗ trợ xăng dầu, phí đường bộ, các loại phí liên quan.
Ngoài ra, cần xử lý nghiêm, kiên quyết đối với hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá cả. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, duy trì, ổn định giá cả và hỗ trợ người dân, tích cực chia sẽ khó khăn, đóng góp cho xã hội.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp cụ thể, thiết thực để bình ổn, kiềm chế giá cả, nhất là giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Thực tế tình hình hiện nay thì việc triển khai các biện pháp chặn đà tăng giá, kiềm chế lạm phát cũng không kém gì là biện pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất.
Bởi một khi giá cả tăng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như lạm phát, găm hàng, thao túng giá làm cho đời sống người dân lại càng khó khăn hơn và việc khôi phục sản xuất sẽ chậm lại, kém hiệu quả hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực với người dân bị thiệt hại do bão lũ mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng GDP của đất nước.