Quỹ Chống hàng giả phối hợp với người tiêu dùng một số tỉnh thành đem 05 mẫu sản phẩm yến hũ đi kiểm nghiệm.
Lời hứa từ nhãn sản phẩm, sự thật có đúng vậy?
Thị trường thực phẩm bổ sung, trong đó có các sản phẩm yến hũ, đang phát triển mạnh mẽ, nhất là sau đại dịch COVID-19 khi nhu cầu nâng cao sức khỏe tăng cao. Người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ nhỏ và người lớn tuổi, trở thành đối tượng mục tiêu của hàng loạt chiến dịch quảng cáo rầm rộ về "tổ yến thật", "35% yến nguyên chất", "50% yến tươi nguyên tổ"... Những con số tưởng như khoa học, đầy tin cậy, được in nổi bật trên nhãn sản phẩm, trên banner quảng cáo và liên tục được các KOL, KOC, các hotgirl, thậm chí dược sĩ- bác sĩ tự xung livestream rao giảng.
Thế nhưng, thực tế liệu có giống như những gì họ đang tuyên bố? Câu trả lời, tiếc thay, là không.
Trong quý I năm 2025, Quỹ Chống hàng giả phối hợp với nhóm người tiêu dùng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng đã tiến hành thu mua ngẫu nhiên 5 mẫu sản phẩm yến hũ từ các thương hiệu phổ biến trên thị trường. Tất cả đều là sản phẩm có ghi rõ trên nhãn tỷ lệ yến từ 35% yến tươi (yến sợi) đến 50% tươi (yến sợi), dung tích phổ biến là 70ml/hũ.
Các mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm độc lập để định lượng hàm lượng protein (đạm) chỉ tiêu đặc trưng dùng để xác định lượng tổ yến thực sự có trong sản phẩm. Kết quả khiến nhiều người sửng sốt.
Đối với mẫu sản phẩm tổ yến chưng cao cấp đường phèn mang thương hiệu Đỗ Thị T- Master N, trên nhãn ghi 50% yến tươi, thực tế kết quả kiểm nghiệm đối chứng chỉ ra rằng, hàm lượng Đạm/Protein trong sản phẩm chỉ đạt 0,171 g/mg.
Sản phẩm mang thương hiệu Đỗ Thị T- Master N.
Sản phẩm yến chưng đông trùng hạ thảo mang thương hiệu yến sào Đức M., tại bảng thành phần ghi yến tươi 35%, kết quả mẫu kiểm nghiệm đối chứng về Đạm/Protein chỉ đạt 0.157 g/100g.
Sản phẩm mang thương hiệu yến sào Đức M.
Sản phẩm Yến H. Nha Trang, bảng thành phần ghi trên nhãn sản phẩm yến sào 35%, tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm đối chứng chỉ đạt 0.114 g/100g.
Sản phẩm mang thương hiệu Yến H. Nha Trang.
Sản phẩm nước yến sào NT Ne., Can xi và xương khớp có ghi tổ yến 35%, thực tế kết quả kiểm nghiệm về hàm lượng Đạm/Protein chỉ đạt 0.162 g/100g.
Sản phẩm mang thương hiệu nước yến sào NT Ne.
Sản phẩm nước yến sào TH N., đông trùng, tổ yến thiên nhiên Khánh Hòa, nước yến sào 39%, tuy nhiên khi Quỹ Chống hàng giả mang đi kiểm nghiệm đối chứng cho ra kết quả hàm lượng Đạm/Protein chỉ đạt 0.193g/100g.
Sản phẩm mang thương hiệu nước yến sào TH N.
Như vậy, nếu so sánh với tổng khối lượng tịnh của sản phẩm, con số công bố trên được mấy phần trăm so với việc công bố của các đơn vị sản xuất, kinh doanh yến hũ? Liệu các đơn vị này có đang gian lận thương mại, giả về chất lượng, nhằm lừa dối người tiêu dùng, trục lợi bất chính?
Nhằm có góc nhìn khách quan, khoa học, ngày 19/4/2025, phóng viên của Tạp chí CHG có buổi trao đổi thông tin với ông Nguyễn Khắc Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Chống hàng giả ACF, ông Ngân cho biết: “Theo Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 43/2017/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021-NĐ-CP về việc ghi nhãn hàng hóa, các doanh nghiệp có trách nhiệm ghi đúng, ghi đủ các thông tin về tỷ lệ thành phần, định lượng nguyên liệu chính và không được gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Tại Khoản 3 Điều 4 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 nêu rõ: Người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về hàng hóa, dịch vụ mà mình sử dụng;
Hành vi công bố sai tỷ lệ tổ yến, nếu cố tình thực hiện để trục lợi, có dấu hiệu của hành vi lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)”.
Kỹ xảo "bẻ chữ" trên nhãn và phải chăng người tiêu dùng đang bị “giăng bẫy”
Một mánh lới phổ biến của các doanh nghiệp là dùng cụm từ "35% yến tươi"; “30% yến sào”; “50% Yến tươi”; “50% yến sơi”, “50% dịch yến” nhưng không giải thích yến tươi, yến sợi, dịch yến... là gì, không quy đổi ra dạng khô tương đương, và càng không có cơ sở khoa học hay kiểm nghiệm chứng minh. Nhiều khi, "35% yến" chỉ là con số mang tính minh họa, chứ không liên quan đến định lượng thực tế.
Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp ngụy biện rằng "50% dịch yến" là tính theo thành phần nguyên liệu ban đầu, còn khi vào hũ đã bị pha loãng, nấu chín nên... giảm bớt. Lập luận này không chỉ phản khoa học, mà còn thể hiện sự coi thường quyền được biết sự thật của người tiêu dùng.
Khi một sản phẩm yến hũ ghi “35% yến tươi”, "50% yến tươi", người tiêu dùng tin rằng một nửa thể tích trong hũ là yến. Niềm tin này các hãng khéo léo “chạy chương trình” giảm giá 50%, hoặc 1 tặng 1 để hấp dẫn người tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu tinh tế, người tiêu dùng có thể nhận thấy đây thực chất là hình thức nâng giá lên cao, sau đó hạ giá xuống thấp, nhằm kích thích tâm lý của người tiêu dùng, chốt đơn.
Với mức giá sau khi đã được trừ khuyến mại, mỗi hũ yến chỉ từ 15 nghìn đồng đến 35 nghìn đồng. Đây là mức giá không thể nào sản xuất được yến hũ 35%, 50% như quảng cáo. Bởi vậy, chị Hương, một người tiêu dùng tại Hà Nội phải thốt lên: “Lời hứa và cam kết của nhiều người bán yến hũ về chất lượng của sản phẩm là phi thực tế. Nên gọi những sản phẩm đó là “Nước giải khát hương yến sào”, hoặc “Thực phẩm bổ sung hương yến sào”. Bản chất nhiều sản phẩm yến hũ gần như chỉ là nước đường, hương liệu và các thành phần khác. Thành phần chính là “yến sợi”, “yến tổ”, “yến tươi”... chỉ là “lướt qua hàng yến”.
Doanh nghiệp lãi khủng, người tiêu dùng gánh hậu quả
Một hũ yến thực tế, nếu chứa đủ 4g- 5g tổ yến thật, chi phí nguyên liệu tính riêng tổ yến đã khoảng 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng (giá yến tổ loại trung bình khoảng 20 triệu đồng/kg). Thêm chi phí bao bì, đường phèn, phụ gia khác, logistics... thì giá thành tối thiểu phải trên 120 nghìn đồng/hũ mới có lãi.
Nhưng nếu chỉ cần bỏ một nhúm tinh chất yến (dưới 0,2g protein), pha với nước, gelatin, hương liệu và đường… chi phí sản xuất chỉ còn dưới 8 nghìn đồng/hũ. Lợi nhuận sau đó bán ra thị trường có thể lên đến 100% - 500%, một mức siêu lợi nhuận mà ít ngành nào có được.
Trong khi đó, người tiêu dùng không những mất tiền mà còn bị ảnh hưởng đến sức khỏe nếu lạm dụng sản phẩm có nhiều đường, hương liệu, chất tạo đặc… đặc biệt nguy hiểm cho trẻ nhỏ, người cao tuổi, người tiểu đường.
Hiện nay, việc hậu kiểm các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng... vẫn còn rất lỏng lẻo. Hầu hết sản phẩm yến hũ chỉ cần tự công bố chất lượng theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, không bắt buộc kiểm nghiệm định kỳ, hay xác minh hàm lượng thành phần trước khi bán ra thị trường.
Điều này dẫn đến tình trạng “muốn ghi gì thì ghi”. Các doanh nghiệp chỉ cần in đẹp, quảng bá tốt, livestream mạnh là có thể tung sản phẩm ra thị trường. Công tác hậu kiểm do lực lượng quản lý thị trường, an toàn thực phẩm và y tế địa phương đảm nhiệm, nhưng lại bị hạn chế bởi nhân lực, ngân sách và cả... sự quyết liệt.
Quỹ Chống hàng giả lên tiếng, phải truy xuất và xử lý nghiêm
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm 5 mẫu yến hũ, Quỹ Chống hàng giả đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng liên quan, yêu cầu kiểm tra toàn diện các sản phẩm yến hũ đang lưu hành.
Đồng thời, Quỹ Chống hàng giả cũng đề xuất bổ sung quy định bắt buộc kiểm nghiệm hàm lượng yến thật (theo protein) đối với sản phẩm yến chưng sẵn, giống như các quy định chặt chẽ với sữa bột dành cho trẻ em, dược phẩm.
“Nếu không có động thái mạnh tay, thì sự thật là những người làm ăn chân chính không thể tồn tại, trong khi những kẻ lừa dối lại ngày càng giàu lên từ sự dối trá”, đại diện một đơn nuôi trồng và sản xuất yến sào bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Thanh, chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên với người tiêu dùng: “Trong lúc chờ đợi các động thái từ phía nhà quản lý, người tiêu dùng nên chủ động kiểm tra kỹ nhãn hàng hóa, cảnh giác trước các con số phần trăm mơ hồ, không quá tin vào quảng cáo sản phẩm giá quá rẻ so với giá thị trường tổ yến thật. Bên cạnh đó, cần kiểm tra các chất lỏng có trong hũ yến, nếu thấy chất lỏng đó quá trong, không có sợi yến rõ rệt... thì không nên chọn mua. Không mua những sản phẩm mà trên nhãn không thể hiện số đăng ký tự công bố hoặc cơ sở sản xuất. Hạn chế sử dụng những sản phẩm hũ yến có hương thơm nồng nặc, giống hương liệu.
Ngoài ra, nên ưu tiên mua các sản phẩm có kết quả kiểm nghiệm độc lập từ các phòng thí nghiệm uy tín, hoặc tham khảo đánh giá từ các tổ chức trung lập”.
Không thể phủ nhận nhu cầu sử dụng yến là có thật và chính đáng. Nhưng điều đáng lên án là cách mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang dựa vào lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để kiếm tiền từ sự dối trá.
Thị trường yến hũ cần một cuộc thanh lọc toàn diện, không chỉ từ phía cơ quan quản lý mà cả từ sự tỉnh táo của người tiêu dùng. Chỉ khi không còn ai tin vào những chiếc hũ "50% yến tươi" giá chỉ từ 15 nghìn đồng đến 35nghìn đồng, thì trò lừa đảo này mới có thể chấm dứt.