Quảng cáo sữa tăng chiều cao Hiup, niềm tin hay trò bịp?


LTS: Trong thời đại của truyền thông số, từ nghệ sĩ, diễn viên, MC truyền hình đến người mẫu, hot TikToker… không chỉ hiện diện trên sân khấu hay màn ảnh, mà còn chiếm lĩnh không gian quảng cáo, livestream và mạng xã hội. Sự xuất hiện của họ trong các chiến dịch truyền thông sản phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng, sữa dành cho trẻ em và người bệnh, tạo ra sức ảnh hưởng to lớn đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng. Nhưng khi những lời quảng cáo trở nên phi thực tế, khoa trương hoặc sai sự thật, thì ai là người chịu trách nhiệm? Và người tiêu dùng phải làm gì khi chính niềm tin của họ bị khai thác một cách trắng trợn?
Một trong những ví dụ gần đây thu hút sự chú ý của dư luận là việc Biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo cùng tham gia quảng bá cho một sản phẩm sữa tăng chiều cao mang thương hiệu Hiup. Sản phẩm sữa này được giới thiệu có khả năng “giúp trẻ cao thêm 3-5 cm chỉ sau 3 đến 6 tháng sử dụng”. Dưới danh nghĩa sữa tăng chiều cao chuyên dành cho trẻ em, Hiup nhanh chóng tạo cơn sốt trên mạng xã hội nhờ hình ảnh đáng tin cậy của những người nổi tiếng.

Biên tập viên Quang Minh và MC Vân Hugo trong một quảng cáo sữa Hiup (ảnh: chụp màn hình)

Niềm tin hay trò bịp?
Sản phẩm Hiup được giới thiệu rầm rộ là “giải pháp đột phá cho trẻ em và người thấp còi”, “giúp trẻ cao thêm từ 3 đến 5 cm sau một liệu trình sử dụng từ 3-6 tháng”. Những lời quảng bá này xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội: TikTok, Facebook, YouTube, trong đó MC Vân Hugo trực tiếp lên sóng giới thiệu sản phẩm với lời chia sẻ rằng “mình đã cho con dùng thử và thấy kết quả rõ rệt”. Cùng lúc, BTV Quang Minh, cũng góp mặt trong các video giới thiệu sản phẩm, tạo hiệu ứng tin cậy tuyệt đối trong mắt người xem.


Biên tập viên Quang Minh trong một video quảng cáo sữa tăng chiều cao Hiup (ảnh: chụp màn hình).

Tuy nhiên, khi đối chiếu với quy định pháp luật và cơ sở khoa học, những lời quảng cáo này lại bộc lộ nhiều dấu hiệu vi phạm.
Theo Điều 8, Luật Quảng cáo 2012, nghiêm cấm quảng cáo có nội dung gian dối hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của hàng hóa, dịch vụ. Tương tự, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa phải cung cấp thông tin trung thực, chính xác và đầy đủ về sản phẩm, đặc biệt khi sản phẩm đó liên quan đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

MC Vân Hugo trong một quảng cáo sữa Hiup (ảnh: chụp màn hình).

Trong khi đó, chưa có bất kỳ công bố khoa học độc lập nào xác nhận việc sử dụng một loại sữa nhất định có thể giúp tăng chiều cao 3-5 cm trong thời gian ngắn như 3 đến 6 tháng. Chiều cao con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ và môi trường sống. Việc đánh đồng một sản phẩm sữa với “thuốc tăng chiều cao” là biểu hiện rõ của quảng cáo sai lệch, thậm chí có thể coi là hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Trong vai trò là người của công chúng, mỗi hành động của nghệ sĩ, MC, người mẫu đều có sức lan tỏa mạnh mẽ. Người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh, có xu hướng tin tưởng vào sản phẩm mà người nổi tiếng sử dụng và giới thiệu. Họ xem đó như một “bằng chứng sống” về hiệu quả sản phẩm, mà không cần kiểm chứng thêm từ phía chuyên môn hay cơ quan chức năng.
Sự tin tưởng ấy đang bị lợi dụng có chủ đích và mang tính thương mại hóa nặng nề. Khi một MC quốc dân hay một biên tập viên có tiếng lên tiếng “gật đầu” với một sản phẩm, đó không chỉ là lời quảng cáo, mà là một lời cam kết ngầm rằng “tôi đã dùng thử, tôi chịu trách nhiệm cho lời nói của mình”. Nhưng thực tế cho thấy, không phải ai cũng sử dụng sản phẩm thật, và cũng không ai chịu trách nhiệm nếu những lời giới thiệu đó là vô căn cứ.
Tại Mỹ, một số nghệ sĩ đã bị kiện tập thể vì quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Ở Hàn Quốc, nhiều người nổi tiếng mất hợp đồng triệu đô sau khi bị phát hiện nói dối về sản phẩm. Trong khi đó ở Việt Nam, trách nhiệm của người nổi tiếng trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ.
Uy tín không thể là “tấm khiên” cho sai phạm
Điểm đáng nói là, các sản phẩm như Hiup thường chỉ được doanh nghiệp tự công bố chất lượng, sau đó tung ra thị trường mà không cần chờ phê duyệt hay kiểm nghiệm chuyên sâu từ cơ quan chức năng. Quy trình hậu kiểm, tức kiểm tra sau khi sản phẩm đã lưu hành, thường diễn ra muộn, thiếu nhân lực và đôi khi... không bao giờ diễn ra nếu không có phản ánh từ người tiêu dùng hoặc báo chí.

Cam kết về công dụng khi sử dụng sữa Hiup (ảnh: chụp màn hình).

Trong năm 2024 và đầu năm 2025, cơ quan chức năng đã liên tục xử phạt liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật. Tuy nhiên, số vụ bị phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Từ những lời quảng cáo hào nhoáng đến kỳ vọng không tưởng, người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc cha mẹ, trở thành nạn nhân trực tiếp của những lời quảng cáo không đúng với bản chất của sản phẩm. Họ bỏ ra hàng triệu đồng mỗi tháng để mua niềm tin, mong con mình cao lớn, phát triển vượt trội như quảng cáo. Nhưng khi không thấy hiệu quả, cũng không biết kêu ai.
Chị N.T.V, (người tiêu dùng ở Hà Nội), một phụ huynh có con trai 10 tuổi, chia sẻ: “Tôi thấy MC nổi tiếng quảng cáo nên mua về dùng cho con, uống 5 tháng rồi mà cháu không có thay đổi chiều cao như quảng cáo”.
Điều đáng lo ngại là, một số sản phẩm như Hiup còn hướng tới nhóm trẻ nhỏ, đối tượng nhạy cảm với các vi chất, nếu dùng sai liều lượng hoặc thành phần không phù hợp có thể gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Tuy nhiên, thành phần cụ thể, nghiên cứu lâm sàng, đánh giá tác dụng phụ của các sản phẩm này hầu như không có hoặc không minh bạch.
Trước thực trạng trên, Ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả cho rằng: “Pháp luật cần sớm có quy định ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo, nhất là với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Những cá nhân quảng cáo sai sự thật cần bị xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khi quảng cáo sản phẩm cần chứng minh bằng nghiên cứu khoa học, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Truyền thông và mạng xã hội cũng cần tăng cường phản biện, kiểm chứng thông tin và cảnh báo người tiêu dùng trước những chiêu trò quảng cáo trá hình”.
Bộ Y tế cần chủ trì xây dựng hệ thống kiểm tra nhanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang bán trên thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng nên trang bị kiến thức, tỉnh táo với những lời quảng cáo như “thuốc tiên” và hiểu rằng không có sản phẩm nào có thể thay thế được một chế độ dinh dưỡng cân bằng và rèn luyện khoa học.
Danh tiếng của người nổi tiếng là một dạng “tài sản mềm” có thể gây ảnh hưởng đến hàng triệu người. Khi sử dụng danh tiếng đó để quảng bá sản phẩm, họ đang đứng ở lằn ranh giữa lợi nhuận và đạo đức. Một khi ranh giới ấy bị xóa nhòa, hậu quả không chỉ là mất niềm tin, mà còn là những đứa trẻ uống sữa mỗi ngày trong hy vọng hão huyền, là những gia đình đang cạn kiệt tài chính vì những lời quảng cáo “có cánh”.
Sự lên tiếng của dư luận, sự vào cuộc của báo chí và hành động quyết liệt từ cơ quan quản lý là điều cần thiết để dọn sạch mảnh đất quảng cáo nhiễu loạn hiện nay. Hơn hết, đã đến lúc các nghệ sĩ, người có ảnh hưởng cần hiểu rằng: trách nhiệm xã hội không thể đánh đổi bằng hợp đồng quảng cáo béo bở.

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều nay (21/4) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Cục Phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH và TTĐT) Nguyễn Thị Thanh Huyền đã thông tin về mức phạt dự kiến đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo do có hành vi quảng cáo sai sự thật.
Cụ thể, MC Vân Hugo đã quảng cáo rằng việc sử dụng sữa Hiup liên tục từ 3 đến 6 tháng có thể giúp trẻ cao thêm 3-5cm. Bà Huyền khẳng định, không có tài liệu nào chứng minh trẻ em uống loại sữa đó trong 3 - 6 tháng sẽ cao được từ 3 - 5cm cả. Tất cả các tài liệu gửi kèm cũng không có tài liệu nào chứng minh hiệu quả của loại sữa này như vậy. Đây là những vi phạm nói quá về công dụng, gây nhầm lẫn về chất lượng sản phẩm. Bà nhấn mạnh rằng cả BTV Quang Minh và MC Vân Hugo đều phải chịu trách nhiệm về những nội dung quảng cáo này.
Mức phạt dự kiến dành cho BTV Quang Minh là 37,5 triệu đồng với hai hành vi vi phạm: quảng cáo không phù hợp với tài liệu theo quy định (điểm a, khoản 2, điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP) và quảng cáo sử dụng tên bác sĩ (điểm a, khoản 4, điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
MC Vân Hugo đối diện mức phạt nặng hơn, dự kiến là 70 triệu đồng, do vi phạm quy định về quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng và công dụng của sản phẩm (khoản 5 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).