Thế giới yến sào Nguyễn Thúy quảng cáo rầm rộ, chất lượng mập mờ, người tiêu dùng hoang mang


(CHG) Trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng, sản phẩm bổ dưỡng tràn lan với đủ loại hình thức và mức giá, người tiêu dùng đang ngày càng đòi hỏi sự minh bạch, rõ ràng và an toàn đến từng chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng, trái ngược với những kỳ vọng chính đáng đó, một dòng sản phẩm yến hũ ăn liền mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy lại đang khiến dư luận xôn xao vì quảng cáo rầm rộ nhưng chất lượng mập mờ, thiếu minh bạch về thông tin sản phẩm.


Ông Lã Thế Quyền và bà Nguyễn Lan Anh (thường gọi là Leo, ảnh cắt từ phiên livestream và video quảng cáo).

Cam kết “đã kiểm nghiệm sản phẩm”?
Thời gian qua, người tiêu dùng không khó để bắt gặp hình ảnh những hũ yến ăn liền được giới thiệu, xuất hiện dày đặc trong các buổi livestream của Lã Quốc Quyền và Nguyễn Lan Anh (hay còn gọi là Leo). Hai KOL này quảng cáo sản phẩm một cách dồn dập, với lời cam kết chắc nịch rằng: “Chị Thúy đã đem đi kiểm nghiệm sản phẩm, 35% yến sào và cam kết về chất lượng” (?)

Sản phẩm Yến hũ chưng canxi kid dành cho trẻ em trên nhãn ghi: nước yến sào 35% (!)

Không dừng lại ở đó, tài khoản TikTok mang tên “Thế giới yến sào- Nguyễn Thúy” cũng thường xuyên thực hiện các buổi bán hàng trực tuyến. Những video này giới thiệu về sản phẩm với hình ảnh rõ nét, bao bì bắt mắt và lời mời gọi hấp dẫn: 35% nước yến sào, giá rẻ bất ngờ (!)


Tài khoản TikTok mang tên Thế giới yến sào- Nguyễn Thúy có hơn 567 nghìn lượt theo dõi và hơn 763 nghìn lượt thích.

Tuy nhiên, một điều khá trùng hợp, sau khi hàng loạt KOL từng quảng cáo yến sào bị phanh phui vì liên quan đến sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm yến hũ ăn liền mà các tài khoản TikTok kể trên từng bán gần như “biến mất” khỏi giỏ hàng.
Video cũ vẫn còn đó, vẫn là hình ảnh những hũ yến ăn liền, nhãn mác rõ ràng, nhưng khi người tiêu dùng đặt và nhân hàng, sản phẩm lại hiển thị là các loại “yến tự chưng”, không có hình ảnh minh họa khớp với video quảng cáo sản phẩm.


Sản phẩm yến hũ ăn liền mang thương hiệu Thế giới yến sào- Nguyễn Thúy thường xuyên xuất hiện trong các phiên livestream và các video ngắn của nhà "Quyền Leo" (ảnh cắt từ video).

Điều này đặt ra nghi vấn: Phải chăng chính người bán cũng đang cố tình “ẩn mình” để né tránh trách nhiệm nếu sản phẩm có vấn đề hoặc tệ hơn, nếu họ biết rõ trước sản phẩm có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng nên đã âm thầm gỡ bỏ khỏi kênh bán hàng?
Yến hũ tự chưng thiếu thông tin bắt buộc
Sự bức xúc của người tiêu dùng không hẳn là thiếu cơ sở. bởi khi quan sát thực tế hũ yến tự chưng, phía bên trong sản phẩm chứa vật chất màu trắng, dạng viên, không có bất kỳ thông tin nào ghi trên hũ sản phẩm. Cứ 10 hũ sản phẩm được bao gói lại với nhau bằng màng ni lông, phía bên ngoài có dán nhãn ghi thông tin hàng hóa.

Sản phảm yến tự chưng của Thế giới yến sào Nguyễn Thúy có dấu hiệu vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa. 

Lấy làm lạ, mặc dù “đỏ mắt” kiếm tìm nhưng trên nhãn tổng thể lại không có thông tin cụ thể về đơn vị chịu trách nhiệm về sản phẩm, thông tin về thành phần cụ thể của sản phẩm và không hề đề cập đến định lượng yến thực tế có trong mỗi sản phẩm, cũng như thông tin cảnh báo sản phẩm. Điều này cho thấy, sản phẩm yến hũ tự chưng mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy đang vi phạm nghiêm trọng Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP về việc ghi nhãn hàng hóa.
Nguy hiểm hơn, sản phẩm tặng kèm trong đơn hàng (được gọi là “quà tri ân”) lại khiến người tiêu dùng hoang mang tột độ. Ngoài một số sản phẩm tặng kèm giống trái cây và hạt được sấy khô, còn xuất hiện thêm một gói hàng màu trắng, dạng viên nhỏ, không rõ là chất gì. Tất cả đều trắng thông tin, có dấu hiệu không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Với một sản phẩm được sử dụng trực tiếp vào cơ thể, việc mập mờ như vậy là mối nguy hiểm tiềm tàng với sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, “quà tặng” trắng thông tin từ nhà sản xuất đáng lo hơn đáng mừng.
Lã Quốc Quyền và Nguyễn Thị Lan Anh, cùng Nguyễn Thị Thúy không phải là ba cái tên xa lạ trong giới livestream. Với hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu lượt theo dõi, phát ngôn của họ có sức nặng và ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi mua sắm. Nhưng trong trường hợp này, khi sản phẩm có dấu hiệu mập mờ về nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện pháp luật, thì vai trò của họ không chỉ là “người giới thiệu” mà đang trở thành người tiếp tay cho hành vi vi phạm.
Từ việc bán thực phẩm vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, đến tặng kèm sản phẩm “lạ”, không thể xác định thành phần, tất cả những biểu hiện đó không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong bối cảnh thị trường tràn ngập thực phẩm chức năng, đồ ăn sẵn “tự chế, tự công bố”, người tiêu dùng đang ngày càng trở thành nạn nhân của sự tùy tiện và thiếu trách nhiệm từ cả người bán lẫn người quảng bá.
Trước những thông tin và dấu hiệu bất thường, bà Nguyễn Thị Thúy cần công khai giấy tờ liên quan đến công bố sản phẩm, kiểm nghiệm thành phần, nguồn gốc nguyên liệu. Cùng với đó, các KOL như Quyền Leo và Nguyễn Thị Lan Anh cũng cần lên tiếng về trách nhiệm của mình khi giới thiệu một sản phẩm thiếu minh bạch ra công chúng.
Yến sào, vốn là biểu tượng của sự chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giờ đây lại đang trở thành một trong những sản phẩm gây lo lắng nhất với người tiêu dùng. Việc sử dụng hình ảnh, lời nói của KOL để lôi kéo khách hàng mua sản phẩm không có thông tin rõ ràng là một hành vi cần bị lên án và xử lý nghiêm.
Người tiêu dùng không thể tiếp tục là nạn nhân của sự gian dối thương mại. Cơ quan chức năng không thể tiếp tục làm ngơ trước những hành vi “núp bóng” TikTok, Facebook để đầu độc thị trường.
Hũ yến nhỏ, nhưng câu chuyện đằng sau nó là một bài toán lớn về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm pháp lý và niềm tin của người dân vào hệ thống giám sát thực phẩm quốc gia.
Người tiêu dùng không thể tiếp tục bị lừa dối và chắc chắn pháp luật sẽ không thể để những sản phẩm mờ ám "sống sót" chỉ bằng một lời hứa suông. Vì vậy, đừng để thực phẩm trở thành "trò đùa” trên sàn thương mại điện tử.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết: “Việc không có tên đơn vị sản xuất hoặc đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, vi phạm nghiêm trọng khoản Luật an toàn thực phẩm năm 2010 (sửa đổi, bổ sung 2018), yêu cầu sản phẩm thực phẩm phải có nhãn đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, chịu trách nhiệm về hàng hóa.
Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010 (Luật số 55/2010/QH12), việc sản phẩm thực phẩm không có thông tin về đơn vị sản xuất hoặc đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng trên nhãn là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Trong đó tại điểm C Khoản 2 Điều của luật này quy định: Tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa".
Bên cạnh đó, ông Hoan cũng chia sẻ thêm: “Tại Điểm B Khoản 2 Điều 8, khoản 2 của luật này cũng cho rằng: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm có nghĩa vụ kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, nhãn thực phẩm và các tài liệu liên quan đến an toàn thực phẩm.
Như vậy, việc không ghi rõ tên đơn vị sản xuất hoặc đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trên nhãn hàng hóa là vi phạm quy định về ghi nhãn thực phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.