Quyền Leo tiếp tục bị “tố” quảng cáo và bán sản phẩm có dấu hiệu phá giá thị trường


(CHG) Người tiêu dùng không chỉ là nạn nhân của các chiêu trò bán hàng online, mà còn đang bị cuốn vào một “mê cung” hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ nhãn mác hợp lệ, cùng với mức khuyến mại “sốc” vượt quá 50%, dấu hiệu bán phá giá thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, đó là những nội dung mà người tiêu dùng “tố” Quyền Leo.
Tài khoản mạng xã hội được cho rằng thuộc quyền sở hữu nhà Quyền leo.
Hàng loạt sản phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc
Trong nhiều phiên livestream gần đây, tài khoản Tiktok có tên “Quyền Leo Review” và “Quyền Leo Daily” liên tục chào bán các sản phẩm như: bộ chăn hè, ga trải giường, vỏ gối; khăn tắm; áo phông polo... với mức giá rẻ giật mình so với sản phẩm cùng loại được phân phối qua kênh truyền thống.

Sản phẩm bộ chăn ga và combo áo polo có dấu hiệu không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ được nhà Quyền Leo quảng cáo và bán tới tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều khiến người tiêu dùng bức xúc hơn cả là những sản phẩm này gần như không có bất kỳ thông tin cơ bản nào trên nhãn hàng hóa. Một số người mua hàng đã chụp lại sản phẩm và phản ánh: không ghi rõ tên sản phẩm, không có tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, không có thành phần, không có hướng dẫn sử dụng, không có cảnh báo và đặc biệt không có dấu hiệu hợp quy (CR) theo quy định đối với hàng dệt may.

Ngoài việc không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, nhiều sản phẩm hàng hóa của nhà Quyền Leo vi phạm nghiêm trọng việc ghi nhãn hàng hóa, không chứng nhận hợp quy (CR).
Theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc ghi nhãn hàng hóa, hàng hóa lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải ghi rõ các nội dung như: tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần, hướng dẫn sử dụng và thông tin cảnh báo. Việc thiếu các thông tin này không chỉ là vi phạm hành chính mà còn tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng.
Từ các thông tin của người tiêu dùng, có thể thấy nhiều sản phẩm do Quyền Leo quảng cáo và bán các sản phẩm có dấu hiệu chưa được kiểm định hay cấp phép lưu hành hợp pháp. Thậm chí, bao bì có nhiều mẫu mã nghi ngờ được sản xuất tại Trung Quốc (như sản phẩm tai nghe không dây bluetooth mang thương hiệu Coojoda J206; Thảm điện xông ngải cứu Đông y Model BT-EM 01...), nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt như quy định tại Điều 8 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP và Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
Theo ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả: “Nhiều hàng hóa có chữ nước ngoài mà không thể hiện nhãn phụ tiếng Việt đang lưu thông trên thị trường nội địa Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong việc ghi nhãn hàng hóa. Không loại trừ khả năng nhiều trong số đó được “xách tay số lượng lớn” hoặc “nhập lậu qua đường tiểu ngạch”. Hình thức này giúp giảm giá thành nhưng trốn tránh nghĩa vụ thuế và không bị kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đây chính là lỗ hổng lớn mà nhiều đối tượng bán hàng online đang lợi dụng, gây mất cân bằng cho thị trường hàng tiêu dùng nội địa”.
Khuyến mại "sốc" vượt quá 50%, dấu hiệu bán phá giá
Không chỉ dừng lại ở nghi vấn về nguồn gốc sản phẩm, nhiều chuyên gia thị trường còn lo ngại về việc Quyền Leo thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mại vượt mức cho phép. Trong rất nhiều phiên livestream được ghi nhận, các sản phẩm được bán với mức giảm giá lên đến hơn 50%, thậm chí có còn tặng kèm sản phẩm khuyến mại khác.
Sản phẩm hàng hóa được ông Lã Quốc Quyền giới thiệu, quảng cáo và bán trên nền tảng mạng xã hội TikTok có dấu hiệu bán phá giá thị trường.
Cụ thể, tại phiên livestream trên tài khoản Tiktok “Quyền Leo Daily” tối ngày 14/5/2025, ông Lã Quốc Quyền  (thường được gọi chung cả tên vợ: Quyền Leo)  liên tục sử dụng những ngôn từ mang tính chất tò mò, lôi cuốn và có sức hấp dẫn nhằm lôi kéo người tiêu dùng “chốt đơn”.
Cụ thể, với sản phẩm nồi cơm điện mang thương hiệu Kangaroo, ông Quyền luôn khẳng định: đây là “Thông tin chấn động”, “phiên bản mới nhất năm 2025”, “Giảm giá gốc hơn 1 triệu đồng”, “Tiết kiệm 700 nghìn đồng”... “Giá trong livestream áp voucher (phiếu giảm giá) chỉ còn 315 nghìn đồng”.
Hay như với sản phẩm Quạt điều hòa của Hòa Phát: “Làm mát siêu tốc”, “Quạt điều hòa làm mát siêu tốc”, “Cực kỳ uy tín”, “Giá gốc là 3 triệu 9 trăm nghìn, voucher 25% giá chỉ còn 1 triệu 6 trăm nghìn”.
Cũng tại phiên livestream này, với sản phẩm nồi chiên không dầu mang thương hiệu Sunhouse được chính ông Quyền quảng cáo rẻ hơn thị trường 2 triệu, bảo hành 24 tháng, chỉ có giá 1,1 triệu, được tặng kèm 01 máy vắt cam (trị giá mấy trăm nghìn) (!)
Những mã khuyến mại phải chăng là một chiến lược kinh doanh, hay thực chất đây là chiêu trò của nhà Quyền Leo (?)
Phải chăng những người như gia đình Quyền Leo đang vì lợi nhuận, mà sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh với những đơn vị kinh doanh truyền thống ? Liệu rằng những chương trình khuyến mại “núp bóng” các voucher nhằm phá hoại nền kinh tế thị trường của đất nước (?)

Người tiêu dùng cho rằng sản phẩm Yến hũ của Thế giới yến sào Nguyễn Thúy có "vấn đề".
Chị V.H.T, chủ một đại lý kinh doanh hàng gia dụng bức xúc: “Có lẽ chúng tôi phải dẹp tiệm vì mấy bạn kinh doanh online kiểu này. Không hiểu hàng hóa họ nhập đầu vào kiểu gì mà quảng cáo và bán ra thị trường rẻ đến thế. Nhất là những phiên livestream, họ bán phá giá làm người tiêu dùng cho rằng chúng tôi lãi lớn, lãi vừa...”.
Cùng bức xúc như chị T., chị N.T.H, đại diện một cửa hàng chăn ga gối đệm có trụ sở tại Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tuân thủ nghiêm các quy định về nghĩa vụ thuế, về nhãn của sản phẩm, đầy đủ các yêu cầu liên quan đến chất lượng hàng hóa và các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, với mức giá mà các Tiktoker như nhà Quyền Leo đưa ra, chúng tôi gần như không thể cạnh tranh được. Họ phá giá, chúng tôi lỗ vốn và mất khách”.

Luật sư Nguyễn Trí Thắng, giám đốc Công ty Luật TNHH Nam Hà và Cộng sự.
Trao đổi vấn đề trên với Luật sư Nguyễn Trí Thắng, giám đốc Công ty Luật TNHH Nam Hà và Cộng sự, ông Thắng cho biết: "Việc ông Lã Quốc Quyền liên tục livestream bán hàng hóa có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu bán phá giá, khiến mất cân bằng thị trường, có thể để lại những hệ lụy vô cùng to lớn đối với việc phát triển nền kinh tế hàng hóa, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Điều đó vi phạm nghiêm trọng Nghị Định 81/2018/NĐ-CP.
Cụ thể, tại Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP nêu rõ: "Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định này; Tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8 và Khoản 2 Điều 9 Nghị định này".
Hành vi khuyến mại vượt ngưỡng quy định có thể bị xử phạt hành chính và bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh nếu gây ảnh hưởng đến các nhà phân phối, đại lý chính thống.
Bên cạnh việc bức xúc của không ít đơn vị kinh doanh truyền thống về việc nhà Quyền Leo áp dụng những chương trình khuyến mại, phá nát thị trường và có dấu hiệu của việc bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, không ít người tiêu dùng cũng bày tỏ sự thất vọng về chất lượng sản phẩm.

Nhà Quyền Leo không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho người tiêu dùng khi mua hàng.
Chị N.T.C, (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Đã mua combo 3 chiếc áo polo trơn Uma vải cá sấu, tổng giá 199.000 đồng, nhưng tất cả đều không rõ nguồn gốc xuất xứ (không có thông tin về đơn vị sản xuất), không ghi thành phần, công dụng, thông tin cảnh báo sản phẩm... chất liệu mỏng, dễ bai và co rút sau khi giặt... Đúng của rẻ (khuyến mại) là của ôi!”.
Trước khi dừng cuộc chia sẻ, chị C. đưa ra những thắc mắc: “Tại sao sau mỗi đơn hàng, phía nhà Quyền Leo không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho người tiêu dùng (?)”.
Việc người tiêu dùng tiếp tục “tố” nhà Quyền Leo là hồi chuông cảnh báo về một “vùng xám” trong thương mại điện tử, nơi nhiều cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật để kinh doanh trục lợi. Nếu không có biện pháp giám sát, kiểm tra và xử lý mạnh tay, môi trường kinh doanh chân chính sẽ bị đe dọa, còn người tiêu dùng sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những món hàng “mập mờ danh tính”.
Đã đến lúc, các cơ quan quản lý nhà nước, nền tảng mạng xã hội và chính người tiêu dùng cần đồng lòng hành động, siết lại kỷ cương trên không gian mạng, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho hàng triệu người mua sắm online.
Liên quan đến vụ việc, Quỹ Chống hàng giả vẫn đang tiếp tục đón nhận các thông tin từ người tiêu dùng và chuyển các cơ quan chức năng, nhằm làm sáng tỏ vụ việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền... trong thời gian từ ngày 15/5-15/6.
Thủ tướng nêu rõ, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, huy động sự vào cuộc của nhân dân; là nhiệm vụ mang tính lâu dài, phải làm thường xuyên, toàn diện, không ngừng nghỉ.