(CHG) Yến chưng canxi Kids hũ 70ml, mang thương hiệu Thế giới Yến sào Nguyễn Thúy, dành cho đối tượng tiêu dùng chủ yếu là trẻ nhỏ liệu có đúng như quảng cáo. Con số thành phần chứa 35% yến sào ghi trên nhãn hàng hóa liệu có phải là con số “ma” để tô đẹp cho giá trị sản phẩm, nhằm lừa dối người tiêu dùng?
Nguyễn Thúy và vợ chồng Quyền Leo trong phiên livestream quảng cáo, bán sản phẩm yến hũ 70ml, chứa thành phần 35% yến sào (ảnh cắt từ video quảng cáo).
Con số "ma" nhằm lừa dối người tiêu dùng?
Yến sào là thực phẩm cao cấp, giàu giá trị dinh dưỡng, được kỳ vọng cung cấp protein, axit amin và khoáng chất cho người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và người ốm. Do đó, việc ghi nhận tỷ lệ yến sào có trong sản phẩm yến hũ 70ml, ăn liền mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy đã tạo ấn tượng cực kỳ mạnh mẽ đối với người tiêu dùng (hũ yến gần như đặc yến, không khác gì yến tổ nguyên chất được chưng).
Kết quả kiểm nghiệm đối chứng của Quỹ Chống hàng giả chỉ ra rằng: hàm lượng đạm/protein có trong sản phẩm "Thực phẩm bổ sung, Yến chưng canxi kisd" hũ 70ml, mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyên Thúy, trên nhãn ghi 35% yến sào chỉ đạt 0,486g/100g.
Thực tế, khi kết quả kiểm nghiệm đối chứng từ Quỹ Chống hàng giả cho thấy hàm lượng đạm/protein có trong sản phẩm này chỉ đạt 0,486g/100g, tức chưa đến 0,5g đạm trong mỗi 100g sản phẩm. Với trọng lượng 70ml (xấp xỉ 70g), hũ yến trên chỉ chứa xấp xỉ 0,34g đạm, một con số quá thấp để nói về tác dụng dinh dưỡng của yến sào.
Về mặt logic, nếu yến sào chiếm 35%, thì chỉ riêng phần yến đã phải cung cấp ít nhất 3 - 4g đạm/protein mỗi 100g sản phẩm, bởi trong tổ yến thật, hàm lượng đạm thường chiếm 40–50%. Như vậy, chỉ có hai khả năng: Hoặc sản phẩm trên không chứa đủ 35% yến sào như đã công bố; Hoặc yến sào được sử dụng không phải là tổ yến thật, mà là những nguyên liệu giả, hoặc đã bị pha trộn, chiết tách, làm mất dinh dưỡng?
Dù là trường hợp nào thì cũng xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt nhóm tiêu dùng lại là trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.
Quyền Leo từng "leo lẻo" khẳng định: "Chị Thúy đã đem đi kiểm nghiệm sản phẩm, 35% yến sào và cam kết về chất lượng" (?)
Bên cạnh đó, theo nhãn sản phẩm, mỗi hũ yến Kids chứa 0,01% canxi lactate, điều đó tương đương 10mg/100ml. Tuy nhiên, bản kiểm nghiệm đối chứng lại chỉ ra rằng: hàm lượng canxi lactate thực tế là 3726 mg/kg, tức 3,726mg/g, tương đương 0,3726%. Dù con số kiểm nghiệm cao hơn so với nhãn (tưởng như có lợi), nhưng nó lại cho thấy sự mập mờ và thiếu thống nhất trong công bố thành phần, điều bị nghiêm cấm trong quản lý thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung.
Thêm vào đó, liều lượng canxi lactate dưới 4mg/g là không đáng kể nếu so với nhu cầu canxi mỗi ngày của trẻ em (dao động từ 500–1000mg tùy độ tuổi). Như vậy, uống một hũ yến 70ml mỗi ngày cũng không cung cấp nổi 1/20 nhu cầu canxi. Đây chính là biểu hiện của việc gắn mác thành phần để định vị sản phẩm, chứ không thực sự tạo ra giá trị dinh dưỡng đáng kể.
Việc đưa canxi lactate vào sản phẩm không chỉ dừng lại ở một vài con số sai lệch. Vấn đề nằm ở việc gian dối niềm tin, lừa mị người tiêu dùng và đe dọa sức khỏe trẻ em thông qua một sản phẩm được định vị ghi trên nhãn là “Thực phẩm bổ sung”.
Phải chăng, “Thế giới yến sào Nguyễn Thúy" đang lừa dối người tiêu dùng trong việc gắn trên nhãn sản phẩm những cụm từ: “yến- canxi- trẻ em”?
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả: “Tại khoản 1 Điều 8 Thông tư 43/2014/TT-BYT, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 4 Thông tư 17/2023/TT-BYT, yêu cầu về nội dung công bố hàm lượng chất dinh dưỡng (Nutrient content claims): “Khi bổ sung các vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic hoặc chất có hoạt tính sinh học khác vào thực phẩm, việc công bố hàm lượng các chất đó có trong thực phẩm tính theo lượng dùng khuyến cáo hằng ngày cho người Việt Nam (RNI) được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, như sau:
Khi hàm lượng chất dưới 10% RNI hoặc dưới 10% lượng sử dụng của thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học (đối với chất chưa có RNI) thì không được ghi công bố về chất đó; Khi hàm lượng chất đạt tối thiểu 10% RNI hoặc đạt tối thiểu 10% lượng sử dụng của thành phần đó đã nêu trong bằng chứng khoa học (đối với chất chưa có RNI) thì được công bố cụ thể tên, hàm lượng của các chất đó cho mỗi khẩu phần ăn hoặc trên 100g sản phẩm...”.
Trong điều kiện pháp lý hiện hành, các hành vi cố tình công bố sai thành phần, thổi phồng công dụng là dấu hiệu của hành vi gian dối thương mại, có thể bị xử lý hành chính, thu hồi sản phẩm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trẻ em không phải đối tượng để thử nghiệm lòng tin
Không giống người lớn, trẻ em không thể tự chọn thực phẩm, cũng không nhận thức được chất lượng sản phẩm. Trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của người lớn, mà lựa chọn đó dựa trên niềm tin vào thông tin được nhà sản xuất cung cấp.
Khi một sản phẩm được thiết kế, đóng gói và truyền thông nhằm trực tiếp vào phụ huynh, với những từ khóa như “thực phẩm bổ sung”, thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm cao hơn gấp bội trong việc đảm bảo tính chính xác và minh bạch của thông tin công bố.
Nơi được cho là trụ sở sở của Thế giới yến sào Nguyễn Thúy.
Ngược lại, sản phẩm Yến chưng canxi Kids lại biểu hiện rõ sự lạm dụng hình ảnh trẻ em, gán ghép các giá trị chưa kiểm chứng để tạo dựng lợi nhuận. Đây là hành vi phi đạo đức và cần được giám sát, phản ánh và lên án mạnh mẽ hơn nữa từ phía cơ quan chức năng và cộng đồng người tiêu dùng.
Thực tế, sự việc của Thế giới Yến sào Nguyễn Thúy không phải là cá biệt. Rất nhiều sản phẩm trên thị trường thực phẩm bổ sung hiện nay tự gắn mác “yến”, “sâm”, “canxi”, “kẽm”, “DHA” nhưng không qua kiểm nghiệm độc lập. Do cơ chế hậu kiểm còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể qua mặt người tiêu dùng bằng bao bì bắt mắt và lời nói suông.
Một sản phẩm dành cho trẻ em chỉ xứng đáng tồn tại khi thành phần đúng với công bố, công dụng đúng với thực tế, và lời quảng cáo không đánh tráo khoa học bằng cảm xúc.
Quyền Leo và Nguyễn Thúy có đang “rũ bỏ” trách nhiệm?
Một điều rất lạ, thời gia qua, mỗi khi người tiêu dùng “tố” kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí hàng giả, hàng nhập lậu, hàng gian lận thương mại, không ít KOL, KOC, thậm chí nhà sản xuất âm thầm bỏ sản phẩm ra khỏi giỏ hàng, gỡ tất cả các video liên quan đến việc quảng bá sản phẩm và chọn giải pháp im lặng.
Nhà Quyền leo âm thầm gỡ các video quảng cáo liên quan đến sản phẩm yến hũ ăn liền 70ml, chứa 35% yến sào, mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy trong giỏ hàng.
Điển hình là việc các tài khoản mạng xã hội TikTok mang tên: “Quyền Leo Review”, “Quyền Leo Daily” (do ông Lã Quốc Quyền, cùng vợ là Nguyễn Lan Anh, thường gọi là Leo quản lý) và Tài khoản TikTok “Thế giới yến sào –Nguyễn Thúy (được cho là của chính đơn vị sản xuất, bà Nguyễn Thị Thúy quản lý) đã âm thầm xóa tất cả các sản phẩm yến hũ ăn liền “35% yến sào, 0,01% canxi” khỏi giỏ hàng, cùng các video quảng cáo liên quan.
Động thái này không những không xoa dịu được mối nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, mà còn khiến dư luận tin rằng những người đứng sau sản phẩm đang tìm cách xoá dấu vết, tránh sự kiểm tra từ các cơ quan chức năng.
Trước đó, trong nhiều buổi livestream bán sản phẩm và video review ngắn, Quyền Leo không chỉ “đánh bóng” sản phẩm bằng những lời quảng cáo “có cánh” mà còn liên tục nhấn mạnh hàm lượng yến cao vượt trội, thậm chí có những cam kết về chất lượng: “Chị Thúy đã đi kiểm nghiệm sản phẩm, 35% yến sào”, và “phù hợp cho trẻ em”.
Theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, người kinh doanh có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ về sản phẩm và không được thực hiện hành vi gây nhầm lẫn hoặc gian dối trong quảng cáo. Nếu sản phẩm yến hũ thực sự không đạt hàm lượng yến như công bố, thì hành vi quảng cáo sai lệch là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc gỡ sản phẩm khỏi giỏ hàng không làm mất đi trách nhiệm đã phát sinh. Nó không thể che giấu quá trình tiếp thị và bán hàng đã diễn ra trong thời gian dài. Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu hoàn tiền, kiểm tra chất lượng sản phẩm, và khiếu nại lên các cơ quan chức năng.
Sự việc này là lời cảnh tỉnh không chỉ cho người bán, mà cả những người tiêu dùng đang tin tưởng vào các video review, đánh giá trên mạng xã hội.
Trong thời đại số, “một cú click” có thể đánh đổi uy tín cá nhân lấy lợi nhuận trước mắt, bất chấp hệ lụy xã hội để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe con người.
Trên nền tảng mạng xã hội, Nguyễn Thị Thúy được cho là người đang sở hữu tài khoản TikTok "Thế giới yến sào- Nguyễn Thúy", có 567,6k người theo dõi. Trước đây cô cũng từng nhiều lần xuất hiện trong các phiên livestream nhà Quyền Leo để trực tiếp giới thiệu, quảng cáo và bán sản phẩm Yến hũ ăn liền 70ml mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy.

Trên tài khoản mạng xã hội TikTok mang tên Thế giới yến sào- Nguyễn Thúy, sản phẩm yến hũ ăn liền 70ml, chứa 35% yến sào, cũng không còn xuất hiện trên giỏ hàng.
Tối 12/5, Thúy Nguyễn livestream bán yến sào và giải thích về vấn đề bán hũ yến chưng sẵn. Tại đây cô cho biết mình dừng bán hũ yến chưng sẵn từ mấy tháng nay. Lý do mà cô đưa ra là bán rẻ quá nên bị toxic và khách hàng không thích sản phẩm làm sẵn vì sản xuất theo dây chuyền công nghiệp.
"Vấn đề ở đây không phải là yến đâu mọi người. Nếu là yến thì viên yến này tại sao các bà không nói? Mười mấy đến 20k cũng yến nguyên chất đây, chưng ra chỉ có yến thôi, 99% là yến...
... Em có yến, có hũ, có topping bán cho các chị về tự chưng. Giờ người ta toxic hàng công nghiệp, nước mắm người ta không chịu, tương ớt cũng không chịu nên thôi" - Thúy Nguyễn nói.

Sản phẩm yến hũ tự chưng mang thương hiệu Thế giới yến sào Nguyễn Thúy vi phạm về việc ghi nhãn hàng hóa, có nhiều dấu hiệu của sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tuy nhiên, với sản phẩm yến hũ để khách hàng tự chưng có rất nhiều vần đề: hàng hóa vi phạm về nhãn, sản phẩm tặng kèm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thậm chí, không ít người tiêu dùng đặt ra nghi vấn: đơn vị trên có dấu hiệu gian lận về thuế?
Liên quan đến những dấu hiệu vi phạm và vi phạm của Quyền Leo và đơn vị sở hữu thương hiệu Thế giới yến Sào Nguyễn Thúy, ngày 19/5/2025, Quỹ Chống hàng giả đã chuyển toàn bộ nội dung trên tới: UBND thành phố Hà Nội; Công an thành phố Hà Nội; UBND tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh Bình Dương. Hy vọng sự việc sớm được cơ quan chức năng vào cuộc thẩm tra, xác minh, kiểm tra và xử lý một cách rốt ráo. |