(CHG) Bộ Công an chính thức công bố danh sách 12 sản phẩm sữa bột bị xác định là hàng giả về chất lượng, đồng thời cho biết đang mở rộng điều tra đối với 72 sản phẩm khác của hai doanh nghiệp trong lĩnh vực dược và thực phẩm dinh dưỡng.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, kết quả xác minh cho thấy 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng dạng bột (thường gọi là sữa bột) không đạt chất lượng như công bố. Cụ thể, một số thành phần chính chỉ đạt dưới 70% so với mức ghi trên bao bì, vi phạm quy định về sản xuất, buôn bán hàng giả theo điểm b, khoản 7, Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Điểm b, khoản 7, Điều 3 của Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm các trường hợp sau:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hoặc hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với các thông tin đã công bố hoặc đăng ký.
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố hoặc ghi trên nhãn, bao bì.
- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016.
- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất hoặc có hoạt chất khác với ghi trên nhãn, bao bì, hoặc có hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn quy định.
- Hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký, mã số công bố, mã số mã vạch hoặc nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp.
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Tác hại của hàng giả hàng nhái rất lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây thiệt hại kinh tế, làm giảm uy tín doanh nghiệp, ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự xã hội và làm chậm sự phát triển khoa học công nghệ.
Về hình thức xử phạt, theo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm, tùy theo mức độ vi phạm, giá trị hàng giả, và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Các sản phẩm này do Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood sản xuất và kinh doanh. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra 72 sản phẩm khác thuộc diện nghi vấn, có liên quan đến hai doanh nghiệp nêu trên.

Cơ quan chức năng đồng thời cảnh báo về tình trạng người nổi tiếng, bác sĩ, biên tập viên, KOLs tham gia quảng cáo sai sự thật cho các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Bộ Công an nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ căn cứ.
Người tiêu dùng được khuyến cáo cần tỉnh táo, không đặt niềm tin mù quáng vào các nội dung quảng cáo thiếu kiểm chứng, đặc biệt với các sản phẩm sữa bột, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và người bệnh.