(CHG) Trong thời đại bùng nổ của nền kinh tế số, mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí mà còn là “chợ” buôn bán sôi động, nơi những hot TikToker trở thành người dẫn dắt thị hiếu tiêu dùng. Nhưng sau lớp vỏ ngôn từ văn hoa, thơ mộng và hình ảnh lung linh là gì? Câu chuyện về tài khoản TikTok “Đạt tích cực review” là một ví dụ điển hình cho hiện tượng người tiêu dùng có thể bị đánh lừa một cách tinh vi bởi "kỹ nghệ" tiếp thị hiện đại.
Kênh TikTok với phong cách quảng cáo "đậm chất thơ"
Không khó để nhận ra “Đạt tích cực review” giữa một rừng TikToker. Với giọng nói trầm ấm, phong cách trình bày nhẹ nhàng, chau chuốt trong từng câu chữ, người này thu hút hàng trăm nghìn lượt xem chỉ bằng cách… “thì thầm” vào tâm trí người xem. Những video quảng cáo trên tài khoản TikTok “Đạt tích cực review” (hơn 279.000 lượt theo dõi và hơn 3.8 triệu lượt thích) về các phụ kiện, sản phẩm thời trang... đều được lồng ghép lời dẫn có vần điệu, ẩn ý, đậm tính mỹ học và đầy cảm xúc khiến người xem cảm thấy đây là một “reviewer văn minh”, “người bán hàng có tâm”, thậm chí là biểu tượng của một thế hệ influencer “sạch” giữa chốn hỗn độn của “chợ mạng”.
Chỉ đến khi chị V.T.H, “tố” tài khoản TikTok “Đạt tích cức review” quảng cáo và kinh doanh sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu: vi phạm các quy định của việc ghi nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam... khi đó niềm tin của không ít người tiêu dùng bị tổn thương. Vỏ bọc hoàn hảo về một Tiktoker “sạch” thêm một lần nữa bị lại làm người tiêu dùng thất vọng.
Tài khoản Tiktok "Đạt tích cực review" thường xuyên quảng cáo các sản phẩm thời trang và phụ kiện thời trang.
Theo thông tin tiếp nhận từ Quỹ Chống hàng giả, thời gian gần đây, người tiêu dùng tỏ ra khá hoài nghi khi mua các sản phẩm thời trang qua kênh “Đạt tích cực review”, trong số đó, đáng chú ý là thông tin của chị V.T.H.
Chị H. chia sẻ: “Thời gian qua, tài khoản mạng xã hội TikTok “Đạt tích cực review” thường xuyên quảng cáo các sản phẩm thời trang và phụ kiện với cách nói chuyện đầy chất thơ và hiểu biết... Vì vậy, tôi từng đánh giá đây là một hot TikToker “sạch”. Tuy nhiên, sau khi mua combo 2 chiếc áo thời trang gắn thương hiệu NY chỉ với 118.999 đồng, tôi rất bất ngờ khi thấy sản phẩm không hề có thông tin về nhà sản xuất, đơn vị chịu trách nhiệm phân phối, chỉ có dòng chữ ‘Made in Việt Nam’ và logo NY. Khi kiểm tra trên website chính thức của thương hiệu thời trang NY, tôi thấy mức giá thật khác xa và khả năng cao đây là hàng giả mạo nhãn hiệu. Tôi rất thất vọng và mất niềm tin. Người này quá thông minh trong việc tạo dựng niềm tin bằng những hình ảnh chau chuốt, nhưng phía sau là gì thì ai biết được?”.
Quan sát thực tế combo sản phẩm thời trang áo nam của chị H. cung cấp, cũng như combo sản phẩm thời trang do Quỹ Chống hàng giả đặt mua từ tài khoản “Đạt tích cực review” nhằm kiểm chứng thông tin, không khó để phát hiện ra những điểm bất thường.
Sản phẩm mang thương hiệu thời trang NY được tài khoản "Đạt tích cực review" và quảng cáo có dấu hiệu là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, trên nhãn những sản phẩm trên đều không thể hiện về: Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông số kỹ thuật; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng; Thông tin về đơn vị chịu trách nhiệm về sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hợp quy sản phẩm... Điều khiến phóng viên và chị H. băn khoăn là logo NY được thể hiện phía bên phải của sản phẩm này lại có dấu hiệu không sắc nét, khiến cảm nhận sản phẩm này có thể không phải hàng chính hãng.
“Chỉ là tiếp thị liên kết”?
Sau khi tiếp nhận thông tin từ chị H. Quỹ Chống hàng giả đã chuyển thông tin trên tới Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) để đăng tải thông tin.
Nhằm thông tin khách quan, đa chiều, phóng viên CHG đã liên lạc tới số điện thoại 03660295xx, được cho là của TikToker “Đạt tích cực review”. Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi.
Cụ thể, người nghe điện thoại tên Đạt cho rằng: “Chỉ là người bán hàng affiliate (tiếp thị liên kết)”, đồng thời cho rằng: “Hiện đang bận, sẽ liên lạc lại sau”.
Câu trả lời này khiến không ít người tiêu dùng đặt ra dấu hỏi: Phải chăng “Đạt tích cực review” đang cố rũ bỏ trách nhiệm đối với người tiêu dùng? Theo quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Người thực hiện hoạt động tiếp thị, giới thiệu sản phẩm trên không gian mạng (dù là affiliate) cũng phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có dấu hiệu quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc tiếp tay cho hàng giả.
Tài khoản TikTok "Đạt tích cực review" với hơn 279.000 luượt theo dõi và hơn 3,8 triệu lượt thích.
Bên cạnh đó, Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng quy định rõ trách nhiệm của các nền tảng số, người tiếp thị và quảng bá sản phẩm. Trong đó, nếu người tiêu dùng bị thiệt hại từ sản phẩm được quảng bá, cá nhân tiếp thị phải phối hợp giải quyết và có thể bị liên đới nếu cố tình che giấu sự thật.
Luật sư Nguyễn Trí Thắng giám đốc Công ty Luật Nam Hà và Cộng sự .
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Tri Thắng, giám đốc Công ty Luật Nam Hà và Cộng sự về vấn đề trên, Luật sư Tri Thắng cho rằng: “Nhãn của combo sản phẩm áo thời trang trên thiếu những thông tin tối thiểu và cần thiết là vi phạm nghiêm trọng Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP về việc ghi nhãn hàng hóa.
Trên nhãn sản phẩm Combo thời trang do "Đạt tích cực review" gần như "trắng" thông tin.
Bên cạnh đó, việc TikToker chủ động dùng danh tiếng, sức ảnh hưởng và kênh truyền thông của mình để trực tiếp kêu gọi, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, họ không thể vô can. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được việc tài khoản mạng xã hội TikTok “Đạt tích cực review” quảng cáo, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo tính xác thực của thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, thì người này sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.”
Dẫu biết, dù bản thân TikToker cho rằng chỉ “làm affiliate”, nhưng theo thông tin đăng tải của một số hot TikToker chuyên “khám kênh ”, có những thời điểm tài khoản “Đạt tích cực review” từng đạt doanh thu lên tới 25 tỷ đồng.
Một hot Tiktoker "khám"kênh "Đạt tích cực review".
Điều đó chứng tỏ quy mô hoạt động không còn ở mức “nghiệp dư”, mà đã tiệm cận mức kinh doanh rất chuyên nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy cần thiết có sự can thiệp của các cơ quan chức năng để làm rõ tính pháp lý và trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh trực tuyến của TikToker này.
Thị trường thương mại điện tử đang phát triển bùng nổ. Kênh livestream, affiliate marketing hay người có ảnh hưởng hiện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quyết định tiêu dùng. Tuy nhiên, khi vai trò này bị lạm dụng hoặc sử dụng để ngụy trang cho việc tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hậu quả gây ra cho xã hội là rất lớn.
Vụ việc liên quan đến “Đạt tích cực review” thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng “ngôn từ hoa mỹ, sản phẩm tồi tệ” đang lây lan trên mạng xã hội. Khi lòng tin bị lạm dụng, người tiêu dùng sẽ trở thành nạn nhân của một hệ sinh thái “ảo hóa” mà không ai đứng ra chịu trách nhiệm.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua sản phẩm qua mạng, đặc biệt là các kênh có giá quá rẻ so với mặt bằng chung. Cần kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về nhãn hiệu, nguồn gốc, đơn vị sản xuất và tránh để cảm xúc bị dẫn dắt bởi lời nói có cánh hay video trau chuốt.
Câu chuyện của “Đạt tích cực review” là ví dụ điển hình cho tình trạng đánh bóng hình ảnh cá nhân để che giấu sự nhập nhèm thương mại, thậm chí có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Dù hoạt động dưới danh nghĩa “affiliate”, nhưng khi đã nhận hoa hồng, sử dụng kênh riêng để quảng bá, influencer không thể phủi tay và nói rằng mình không liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Người tiêu dùng cần được bảo vệ. Pháp luật cần phải thực thi. Những “người của công chúng” như các TikToker cần chịu trách nhiệm với từng lời nói, từng video mình đăng tải, ngay kể cả khi những video quảng cáo đậm chất thơ “vươn tầm kỹ nghệ”.