Từ vết bẩn trên khăn giấy mang thương hiệu TopGia, người tiêu dùng “đỏ mắt” tìm ngày sản xuất


(CHG) Chỉ từ thông tin liên quan đến vết bẩn màu đen, nghi mốc hoặc vết dầu máy trên sản phẩm khăn giấy cao cấp Top Gia, một loạt sản phẩm khác của thương hiệu này được người tiêu dùng “điểm danh” với các dấu hiệu thiếu minh bạch về thông tin thành phần của sản phẩm, “mập mờ” về thông tin địa chỉ của doanh nghiệp, cũng như "đỏ mắt" tìm ngày sản xuất trên sản phẩm mà không thấy.
Tài khoản TikTok "TopGiaHN" đã bán hơn 7.3 triệu sản phẩm các loại.
56 nghìn đồng cho 530g túi nylon, cho đến sản phẩm không rõ thành phần
Điều đáng nói là những sản phẩm này được bày bán công khai trên nền tảng TikTok Shop thông qua tài khoản "TopGiaHN", kênh bán hàng có hơn 750.000 lượt theo dõi và trên 7,3 triệu đơn hàng đã bán ra. Sức lan tỏa mạnh mẽ cùng sự tin tưởng vô hình của người tiêu dùng dành cho một tài khoản có lượt tương tác cao đã trở thành “tấm vé thông hành” để loạt sản phẩm có dấu hiệu vi phạm thâm nhập thị trường, bỏ qua mọi chuẩn mực, cũng như các quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hoá và chất lượng của sản phẩm.
Những vết bẩn màu đen giống mốc, hoặc vết dầu máy xuất hiện trên Khăn giấy cao cấp mang thương hiệu Top Gia.
Điển hình là những bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) về việc người tiêu dùng thông tin tới Quỹ Chống hàng giả các vết bẩn màu đen, nghi mốc hoặc vết dầu máy trên sản phẩm khăn giấy mang thương hiệu Top Gia, loại được quảng cáo là “100% bột gỗ nguyên chất”.
Ngay lập tức, nhiều câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra: Vết bẩn là gì? Có nguy hại không? Vì sao sản phẩm “cao cấp” lại có lỗi sơ đẳng như vậy?
Quan trọng hơn, trên nhãn của một số sản phẩm khắn giấy mang thương hiệu Top Gia không có dấu CR (chứng nhận hợp quy theo quy định tại QCVN 09:2015/BCT đối với giấy vệ sinh, khăn giấy), nhưng vẫn được lưu hành trên thị trường.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy sự cẩu thả của doanh nghiệp trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm, hay là sự thiếu kiểm soát trong khâu hậu kiểm của các cơ quan chức năng?
Không lâu sau về khăn giấy, người tiêu dùng tiếp tục lên tiếng về loạt sản phẩm khác của Top Gia với nghi vấn ghi nhãn mập mờ, thiếu thông tin sản phẩm và có dấu hiệu thổi giá.
Sản phẩm "Túi đựng rác có dây" mang thương hiệu Top Gia có giá 56 nghìn đồng, trọng lượng nylon chỉ đạt 530g nhưng lại "mập mờ" về sản thành phần.
Một trong những sản phẩm bị “tố” là “Túi đựng rác có dây” mang thương hiệu  Top Gia, được rao bán với mức giá 56.000 đồng cho một gói ghi là “90 túi, kích thước 45x50cm”. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, nhiều người tiêu dùng đã tiến hành cân kiểm tra và phát hiện trọng lượng của gói sản phẩm trên chỉ có 530g. Chính vì vậy, dư luận cho rằng: “Túi đựng rác” của thương hiệu TopGia đang quá cao so với sản phẩm túi nilon cùng loại đang được bán trên thị trường?
Điều đáng nói, trên bao bì sản phẩm hoàn toàn không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, thông tin cảnh báo, cũng như không có thông tin thành phần của sản phẩm. Chính vì thế, người tiêu dùng hoài nghi vấn về việc liệu sản phẩm trên có sử dụng vật liệu tái chế, pha trộn bột đá, hoặc dùng nhựa kém chất lượng. Thậm chí không ít người lo lắng về tính an toàn của sản phẩm, ảnh hưởng đến môi trường hoặc chứa hóa chất độc hại.
Chị Đ.T.H, một người tiêu dùng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Tôi tưởng mua hàng từ một tài khoản lớn trên nền tảng TikTok như "TopGiaHN" và luôn được bảo chứng bởi những lời quảng cáo, thì sản phẩm sẽ đảm bảo chất lượng. Ai ngờ sản phẩm chỉ có trọng lượng hơn 500gram một chút, lại không minh bạch về thành phần của túi nilon. Không biết chất liệu của họ liệu có an toàn không, thế nhưng giá thành của sản phẩm 56 nghìn cho hơn 500g túi nilon thì quá đắt…”.
Trước khi dừng câu chuyện, chị H. thở dài kèm câu bực bội: “Tôi đã quá tin tưởng vào thương hiệu TopGia, họ đã lừa người tiêu dùng Việt Nam”.

Một sản phẩm cùng loại với "Túi đựng rác có dây" của thương hiệu Top Gia (đang bày bán tại các hệ thống siêu thị lớn), chỉ có giá 56 nghìn đồng/1kg, nhưng đầy đủ thông tin theo đúng các quy định của pháp luật về việc ghi nhãn hàng hoá.
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều, phóng viên của Tạp chí CHG đã có buổi khảo sát đối với sản phẩm cùng loại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Điều dễ nhận thấy, mọi thông tin ghi trên nhãn của các sản phẩm cùng loại (đang được bán trên thị trường và các siêu thị) thông tin rõ ràng, rất minh bạch, đúng quy định của pháp luật, nhưng lại có giá thành rất rẻ (chỉ từ 35 nghìn đồng đến 56 nghìn đồng/ 1kg sản phẩm).
“Đỏ mắt” tìm ngày sản xuất
Sản phẩm "Khăn mặt Top Gia" được quảng cáo "Sản phẩm tiệt trùng bằng tia cực tím, có thể yên tâm sử dụng".
Không dừng lại ở sản phẩm khăn giấy và túi nilon, sản phẩm khăn mặt Top Gia (một sản phẩm khác cũng được bán trên TikTok Shop của tài khoản "TopGiaHN") tiếp tục bị “soi” vì những dấu hiệu “mập mờ” về nhãn mác và nguồn gốc.
Người tiêu dùng "đỏ mắt" tìm ngày sản xuất và hợp quy của sản phẩm "Khăn mặt Top Gia".
Cụ thể, trên bao bì ghi dòng chữ: “Sản phẩm tiệt trùng bằng tia cực tím, có thể yên tâm sử dụng”, tuy nhiên, lại không có bất kỳ chứng nhận nào đi kèm để xác minh sản phẩm này đã được khử khuẩn bằng tia cực tím.
Một điều khá “nực cười”, mặc dù trên nhãn sản phẩm có ghi hạn sử dụng của sản phẩm là 3 năm, thế nhưng người tiêu dùng “đỏ mắt” tìm ngày sản xuất mà không thấy, điều đó gây khó khăn về thời hạn bảo quản đối với sản phẩm này.
Tại nội dung ghi thông tin về đơn vị nhập khẩu, phân phối sản phẩm, phía doanh nghiệp chỉ ghi chung chung: “Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Fami, Khu công nghiệp Đồng Dê, Sóc Sơn, Hà Nội”, không có số nhà, số lô, tuyến đường cụ thể. Với cách ghi như vậy, người tiêu dùng cho rằng: “Tìm được trụ sở của doanh nghiệp để khiếu nại về chất lượng sản phẩm, khó ngang với tìm “đường lên trời” (!)
Đặc biệt, ngoài những dấu hiệu vi phạm trên, người tiêu dùng nếu tinh ý sẽ nhận thấy sản phẩm này chưa được doanh nghiệp gắn dấu hợp quy (CR) lên nhãn hàng hoá. Đây là nội dung bắt buộc đối với sản phẩm là bông, vải, sợi, trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường.
“Việc dán hợp quy (CR) lên nhãn sản phẩm này là bắt buộc để chứng minh sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và chất lượng theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo QCVN 01:2017/BCT, sản phẩm bông vải sợi phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy trước khi được phép lưu thông trên thị trường. Việc công bố hợp quy này được thực hiện bởi tổ chức chứng nhận. Sau khi công bố hợp quy, doanh nghiệp cần dán nhãn hợp quy lên sản phẩm để người tiêu dùng có thể nhận biết và yên tâm về chất lượng.
Việc không tuân thủ quy định này có thể dẫn đến các hình phạt hành chính, bao gồm cả việc bị thu hồi, tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm. Do đó, việc dán nhãn hợp quy không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Phạm Trung Kiên, phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả chia sẻ.
Vụ việc lần này thêm một lần nữa cảnh báo người tiêu dùng: Không phải sản phẩm nào được quảng cáo rầm rộ, bán ra nhiều, có lượt theo dõi cao cũng là sản phẩm tốt. Trong thời đại số, sự tỉnh táo, kỹ năng nhận biết sản phẩm uy tín, đọc hiểu nhãn mác và phản ánh kịp thời khi có dấu hiệu bất thường là điều vô cùng cần thiết.
Trường hợp các sản phẩm mang thương hiệu Top Gia, việc người tiêu dùng dũng cảm lên tiếng, gửi hình ảnh, phản ánh công khai trên các nền tảng mạng xã hội, cũng như thông tin tới Quỹ Chống hàng giả và các cơ quan chức năng liên quan chắc chắn sẽ tạo ra làn sóng quan tâm và thúc đẩy cơ quan báo chí, pháp luật vào cuộc. Đó chính là cách để bảo vệ chính mình và cộng đồng khỏi những sản phẩm “mập mờ”, thiếu an toàn.
Từ sản phẩm khăn giấy dính vết bẩn đen, giống mốc hoặc vết dầu máy, những sản phẩm không có dấu hiệu hợp quy, đến các mặt hàng ghi nhãn không rõ ràng về thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng… vụ việc liên quan đến một số sản phẩm mang thương hiệu Top Gia có dấu hiệu vi phạm các quy định trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng, phản ánh thực trạng nhức nhối của thị trường hàng tiêu dùng online hiện nay. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, sự nghiêm túc từ nền tảng thương mại điện tử và ý thức phản biện từ người tiêu dùng, những “vết bẩn” trên sản phẩm chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm, có thể đe dọa đến sức khỏe, niềm tin và quyền lợi của hàng triệu người dân.