(CHG) Sau khi Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại có bài viết “Ẩn chứa đằng sau những video của “Đạt tích cực review” và “kỹ nghệ” quảng cáo đậm chất thơ”, người tiêu dùng tiếp tục “tố” hot Tiktoker này quảng cáo, kinh doanh sản phẩm hàng hoá không đảm bảo về chất lượng, hàng hoá có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Combo quần soóc "trắng thông tin"
Mới đây, nhiều người tiêu dùng bức xúc khi thông tin tới Quỹ Chống hàng giả về việc đặt mua combo sản phẩm quần soóc nam qua kênh TikTok của “Đạt tích cực review” có dấu hiệu kém chất lượng.

Tiktoker "Đạt tích cức reviw" có dấu hiệu quảng cáo và bán sản phẩm giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam- thương hiệu thời trang NY.
Chị V.T.H, chia sẻ: “Theo lời quảng cáo của TikToker này, đây là combo “chất lượng, giá rẻ, ưu đãi khủng”, “chất lượng tuyệt vời”, phù hợp với mọi đối tượng và được cam kết: hàng đẹp, chuẩn form…
Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị H. mới "ngã ngửa" vì tất cả sản phẩm trong combo không hề có bất kỳ nhãn mác nào. Không tên thương hiệu, đơn vị sản xuất, không có thành phần, công dụng của sản phẩm, không có hợp quy sản phẩm… Bên cạnh đó, đường may lởm chởm, không được “gọn gàng” như lời người này quảng cáo”.
Sản phẩm combo quần soóc do "Đạt tích cực review" quảng cáo và bán sản phẩm có dấu hiệu "trắng thông tin", không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Quan sát thực tế (sản phẩm do người tiêu dùng cung cấp và sản phẩm do Quỹ Chống hàng giả đặt mua từ tài khoản TikTok “Đạt tích cực review”), hàng hoá trên “trắng thông tin”, đúng như những gì chị H. chia sẻ.

Đơn hàng combo sản phẩm quần soóc được đặt từ tài khoản TikTok của "Đạt tích cực review".
Trao đổi với ông Nguyễn Lê Hoan, Chánh văn phòng Quỹ Chống hàng giả về nội dung trên, ông Hoan cho rằng: “Tiktoker “Đạt tích cực review” đã quảng cáo và kinh doanh sản phẩm hàng hoá có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng.
Cụ thể, tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó quy định rõ: Hàng hóa lưu thông trên thị trường bắt buộc phải có nhãn, ghi rõ các thông tin tối thiểu như: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; xuất xứ... Việc bán hàng “trắng thông tin” là hành vi che giấu nguồn gốc, đánh tráo niềm tin của người tiêu dùng”.
Lặng lẽ gỡ sản phẩm khỏi giỏ hàng, xoá dấu vết, rũ bỏ trách nhiệm?
Trước đó, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã đăng tải bài viết thông tin về dấu hiệu TikToker “Đạt tích cực review” bán sản phẩm giả mạo thương hiệu thời trang nổi tiếng NY (New York Yankees).
Combo 02 sản phẩm áo phông nam mang logo NY được hot Tiktoer “Đạt tích cực review” quảng cáo và luôn cam kết “hoàn tiền” cho người tiêu dùng, cùng giá rẻ bất ngờ, chỉ gần 120 nghìn đồng, khiến nhiều người tiêu dùng “hoa mắt” vì tin rằng đây là hàng chính hãng giảm giá.
Sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu NY đã bị gỡ khỏi giỏ hàng của hot TikTok "Đạt tích cực review" một cách thầm lặng. Phải chăng, hot Tiktoker này đang có dấu hiệu "rũ, bỏ" trách nhiệm?
Sau khi bài viết được đăng tải, thay vì lên tiếng phản hồi, minh bạch thông tin hoặc giải thích về nguồn gốc của sản phẩm, “Đạt tích cực review” đã âm thầm gỡ toàn bộ sản phẩm khỏi giỏ hàng mà không một lời giải thích, không thông báo đến khách hàng.
Đây là biểu hiện rõ ràng của việc phủi bỏ trách nhiệm, đi ngược lại với nguyên tắc trách nhiệm giải trình trong hoạt động thương mại. Trong khi đó, mọi kênh liên hệ với người bán đều trở nên “vô hiệu” (trong đó không ít lần phóng viên liên hệ qua điện thoại với người này nhưng đều bất thành).
Việc im lặng, trốn tránh báo chí, từ chối trả lời người tiêu dùng đang cho thấy dấu hiệu rõ ràng của việc né tránh trách nhiệm pháp lý, hoặc tệ hơn, cố tình làm mờ thông tin để che đậy hành vi kinh doanh hàng hóa sai phạm.
Mạng xã hội TikTok, thiên đường bán hàng không kiểm soát?
Không chỉ riêng “Đạt tích cực review”, mà rất nhiều kênh TikTok khác hiện nay đang lợi dụng tính năng livestream và đăng clip bán hàng để kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, không nhãn mác. Các hành vi vi phạm bao gồm: Bán hàng "xách tay" nhưng không công bố rõ xuất xứ; Livestream quảng cáo "lố", sai sự thật, gán mác "hàng hãng", "giá gốc từ nhà máy"; Tự nhận là "review trung lập" nhưng thực chất là người bán trực tiếp sản phẩm; Không công khai thông tin người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm…

Tài khoản "Đạt tích cực reveiw" thường quảng các các sản phẩm thời trang, phụ kiện thời trang... và đồng hồ. Tuy nhiên, thời gian gần đây người tiêu dùng cho rằng: rất nhiều sản phẩm do người này quảng cáo và bán có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật.
Nhiều TikToker tự xưng là “reviewer”, “tester”, “người tiêu dùng trải nghiệm” để né luật quảng cáo, nhưng thực chất lại kiêm luôn vai trò người bán và hưởng phần trăm hoa hồng từ đơn hàng.
Đối với trường hợp của “Đạt tích cực review”, nếu người này thực sự trực tiếp đứng tên vận hành giỏ hàng, nhận thanh toán và giao hàng, thì cần làm rõ vai trò pháp lý của anh ta trong hoạt động thương mại điện tử, từ đó xử lý theo đúng quy định.
Từ vụ việc nghi vấn quảng cáo, bán sản phẩm thời trang là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng đã đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam (thương hiệu NY), cho tới combo quần soóc "trắng thông tin" và nay là sự im lặng tuyệt đối, vì vậy người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: “Đạt tích cực review đang bỏ mặc người tiêu dùng, đang “phủi” bỏ trách nhiệm”?
Một Titoker "khám kênh" "Đạt tích cực review" chia sẻ, có những tháng doanh thu của chủ kênh lên tới hơn 25 tỷ.
Một TikToker sở hữu hàng trăm ngàn lượt theo dõi, lượng tương tác lớn, mỗi clip bán hàng được rất nhiều nhiều xem và theo dõi, rõ ràng không còn là người tiêu dùng cá nhân đơn thuần. Đó là một người có ảnh hưởng và đang trực tiếp tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chị H.T.H, người tiêu dùng đã bị mua nhầm sản phẩm không nhãn mác từ “Đạt tích cực review” chia sẻ: “Tôi rất bức xúc. Không thể chấp nhận việc bán hàng mà không minh bạch. Khi có phản ánh thì lặng lẽ gỡ sản phẩm và im lặng. Chúng tôi mua hàng không chỉ bằng tiền mà còn bằng lòng tin. Giờ tôi không biết phải gọi điện cho ai, nhắn tin thì không ai trả lời. Vậy nếu hàng lỗi, ai chịu trách nhiệm”?
Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại số, việc thiếu kiểm soát hoạt động kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội đang trở thành mảnh đất màu mỡ cho gian lận thương mại. Những cá nhân như “Đạt tích cực review” nếu không bị xử lý triệt để sẽ tạo tiền lệ xấu, làm xói mòn niềm tin vào nền thương mại điện tử, khiến người tiêu dùng “lãnh đủ”.
Các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc nhằm: Làm rõ vai trò của TikToker này trong chuỗi cung ứng; Xác minh nguồn gốc các sản phẩm đã bán, kiểm tra nhãn hàng hóa; Xử lý theo quy định nếu có hành vi vi phạm pháp luật về thương mại điện tử, quảng cáo, và bảo vệ người tiêu dùng và phối hợp với TikTok Việt Nam để gỡ bỏ kênh vi phạm, nếu cần.
Vụ việc liên quan đến “Đạt tích cực review” không đơn thuần là một cá nhân bán hàng vi phạm, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội về tính minh bạch, trách nhiệm và đạo đức trong kinh doanh trên nền tảng số.
Khi người có ảnh hưởng đánh đổi uy tín để kiếm tiền bằng hàng hóa không rõ nguồn gốc, khi nền tảng thương mại không có cơ chế giám sát đủ mạnh và khi người tiêu dùng không được bảo vệ đúng mức, thì thị trường không chỉ mất niềm tin mà còn trở nên rối loạn.
Muốn phát triển nền thương mại điện tử lành mạnh, trước tiên, phải chấn chỉnh những người bán như “Đạt tích cực review”, những người đang tích cực... vi phạm.