Phát biểu tại diễn đàn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết: Trong một năm gần đây, dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, dòng lao động rời khỏi DN nhiều. Đó là cuộc tháo chạy vĩ đại ra khỏi Thành phố Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp miền Đông. Cả DN trong nước và nước ngoài đều rơi vào tình trạng đình đốn khiến chuỗi cung ứng nhỏ hẹp của Việt Nam đứt gãy hoàn toàn.
Năm 2021, tốc độ tăng trưởng đáng lo ngại, điều quan trọng hơn cả vốn là dòng tiền các DN bị âm. Nói cách khác, DN sản xuất ra không bán được hàng, thành tích vẫn có, doanh thu vẫn có, lợi nhuận vẫn có nhưng dòng tiền âm.
Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định: Mặc dù Chính phủ có nhiều chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ nhóm yếu thế nhưng về cơ bản, các cơ chế chính sách đó mới chỉ giải quyết phần nào các khó khăn.
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, xét về điều kiện nguyên tắc, DN không có dòng tiền, không có doanh thu, thậm chí thua lỗ thì không đủ để vay vốn. Thêm vào đó, khi DN không có tài sản đảm bảo, muốn vay cũng không thể vay được. Do vậy, mở rộng hướng tiếp cận để cho vay với đối tượng ảnh hưởng khó khăn với Covid-19 trong bối cảnh vừa chống dịch, vừa sản xuất là một bài toán rất khó đối với cả DN và tổ chức tín dụng.
Vì thế, Chính phủ cần có giải pháp chính sách tài khóa quyết liệt, hỗ trợ cho chính DN để vực dậy những DN có khả năng phục hồi, ổn định sản xuất. Những DN có thể phục hồi được thì có thể được bảo lãnh.
![]() |
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh chụp màn hình |
Thực tế cho thấy, nhiều DN rất khó để chứng minh những thiệt hại của mình do tác động của đại dịch. Do đó, để quá trình xét tiêu chí vay vốn được thuận lợi, tránh bỏ lọt DN xứng đáng được vay mà không tiếp cận được vốn, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng điều quan trọng là đã có chính sách chưa, chính sách đó có tiêu chí thế nào.
“Hiện nay, tôi chỉ mới nghe lời đồn, lời đồn có chính sách nhưng tôi không rõ tiêu chí thế nào, quy mô thế nào. Còn điều DN mong mỏi nhất, người dân mong mỏi nhất là Chính phủ có một gói hỗ trợ và Chính phủ phải nâng cao năng lực thể chế của mình để thực hiện gói hỗ trợ đó”, ông Lê Xuân Nghĩa thông tin thêm.
Mặt khác, trên thực tế, nhiều DN vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận với các nguồn vốn giá rẻ từ ngân hàng nhưng tài sản thế chấp đã hết, doanh thu giảm, lợi nhuận cũng âm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Do đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, tổ chức tín dụng vẫn cần xem xét cho vay, từng khách hàng, chia sẻ nhưng kiểm soát dòng tiền. Đặc biệt, đối với các hộ nông dân có phương án sản xuất, thông qua tổ chức chính trị xã hội chia sẻ thì vẫn có thể giải ngân cho họ.
Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân